Đổi mới công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Sáng 20/02, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án “Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp” chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo, Tổ soạn thảo. Cùng dự có: Trưởng Ban công tác Đại biểu, Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Nguyễn Thị Thanh.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”. Theo Kế hoạch, dự kiến tháng 3 sẽ báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về Đề án, tháng 6 sẽ trình Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận về Đề án. 

Tại cuộc họp, từ thực tế tổ chức các cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp từ năm 2013 cho đến nay, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể vào quy trình bầu cử, phương thức bầu cử, quản lý bầu cử, quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, các giải pháp liên quan đến việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài…

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng đoàn Quốc hội xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan quan trọng nhằm đổi mới công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, để tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là giải pháp quan trọng để lựa chọn được những đại biểu thực sự xứng đáng đại diện cho Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổ soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, làm rõ hơn tính cần thiết; nghiên cứu đưa các nội dung vào dự thảo Đề án để bảo đảm phản ánh bao quát, đầy đủ tình hình thi hành Luật Bầu cử, bao gồm cả những thành quả cũng như những tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất giải pháp trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi trong thực tế, phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Dương Dung -

Vũ Hiếu