Điều tra chống bán phá giá thép cán nóng: Cần chứng minh thiệt hại của nhà sản xuất

Vừa qua một số doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng gọi tắt là HRC trong nước đã nộp đơn lên Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu điều tra chống bán phá giá với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của mình. Điều này cũng đồng nghĩa lợi ích của nhiều doanh nghiệp sử dụng HRC nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Tại buổi họp báo chiều 29/3 của Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại đã xác nhận thông tin về yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép cán nóng của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thép cán nóng (gọi tắt là HRC hắt rờ xê) là nguyên liệu cho sản xuất tôn, ống thép, thép xây dựng. Mỗi năm nhu cầu trong nước cần khoảng 13 triệu tấn trong đó sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 30%, còn lại phải nhập khẩu. Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chiếm tới 80% sản lượng HRC sản xuất trong nước.

Trước việc doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước yêu cầu điều tra chống bán phá giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, đại diện các doanh nghiệp sử dụng thép cán nóng nhập khẩu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen khẳng định yêu cầu này là phi lý.

Đại diện Hoa Sen cũng cho biết các nhà sản xuất trong nước luôn bán thép cán nóng cho họ với giá cao hơn rất nhiều giá nhập khẩu (khoảng 10-20 USD/tấn, thậm chí có thời điểm 40-50 USD/tấn). Tuy nhiên họ vẫn buộc phải mua để đáp ứng yêu cầu xuất xứ khi xuất khẩu sang Mexico và Hoa Kỳ. Vì vậy, thời gian qua thép cán nóng sản xuất trong nước dù đắt nhưng vẫn cháy hàng.

Lộ trình tiến hành ra quyết định áp thuế chống bán phá giá từ khi tiếp nhận đơn cho đến khi có quyết định điều tra và có thể quyết định áp thuế cần ít nhất 60 ngày. Bộ Công Thương cũng sẽ không ra quyết định nếu vụ việc không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

 

Xuân Tiến