Điện mặt trời tự dùng: Người dân, công sở hưởng lợi

Sau Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ dự thảo đề xuất chỉ ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại hộ dân, công sở, chưa khuyến khích tại các cơ sở khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất có mức tiêu thụ điện lớn.

Là hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện lớn cho căn nhà 3 tầng đầy đủ các thiết bị điện, đặc biệt là hệ thống máy lọc nước kinh doanh chạy thường xuyên trong ngày, gia đình ông Chu Văn Đức tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã lắp đặt hai hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 55kW vào năm 2019 với tổng chi phí bỏ ra khoảng 700 triệu đồng. Sau khi đã trừ nguồn điện sử dụng cho gia đình, ông Đức vẫn có thể thu nguồn lợi kinh tế trung bình khoảng hơn 100 triệu đồng/ năm từ phần điện dư thừa được EVN mua lại.  

Giống như gia đình ông Đức, năm 2019, khi hiểu rõ về hiệu quả của điện mặt trời áp mái, gia đình ông Hưởng cũng quyết định bỏ ra số tiền hơn 70 triệu đồng để lắp hệ thống 3,3kW công suất điện mặt trời trên khu vực mái nhà sân thượng, vừa để chống nóng thay cho việc phải lợp tôn, vừa tiết kiệm chi phí tiền điện. Theo thống kê trên hệ thống, kể từ khi lắp đặt đến nay, gia đình ông đã tiết kiệm tổng cộng hơn 38 triệu đồng tiền điện.

Lắp đặt sau thời điểm Quyết định 13/2020 của Chính phủ có hiệu lực, dù không còn được đấu nối phát điện lên lưới, gia đình anh Thơm là một trong số ít hộ dân vẫn lắp đặt ĐMT áp mái chỉ để gia đình tự dùng.

Không chỉ tại các hộ gia đình, nhiều công sở tại các địa phương cũng chủ động lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Đây là hệ thống điện mặt trời tại trường ĐH Điện lực. Nhờ hệ thống này, ban ngày, lượng điện của nhà trường có thể sử dụng tối ưu, chi phí tiền điện giảm đáng kể.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Thanh -

Kim Thoa -

Hiền Trang