Diễn đàn kinh tế: Đồng USD mạnh - thách thức với Châu Á và Việt Nam

Chỉ số Dollar Index, một thước đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng 6% kể từ mức thấp thiết lập vào tháng 7/2023. Các chiến lược gia của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tỷ giá đồng yên Nhật Bản so với đồng USD có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Thị trường tài chính toàn cầu đang rộ lên nhận định rằng đồng Euro có thể rớt về ngang giá với USD. Và ở phố Wall, các nhà đầu cơ đang ra sức đặt cược vào sự tăng giá của USD, sau khi “bỏng tay” vì đã bán khống USD và gặp phải đợt tăng bất ngờ của đồng tiền này.

Theo hãng tin Bloomberg, giữa lúc cổ phiếu và trái phiếu cùng bị bán tháo, có một sự đồng thuận đang hình thành xung quanh đồng USD: Chừng nào còn khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, đồng USD sẽ còn tăng giá, ít nhất là cho tới hết năm nay. Và cho tới khi đó, các nền kinh tế ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ còn phải chịu nhiều tác động.

Gần đây, tỷ giá USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức cao nhất 20 năm qua, một phần do kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - Ngân hàng Trung ương của Mỹ - sẽ tăng lãi suất mạnh hơn phần lớn các ngân hàng trung ương khác.

Việc đồng USD mạnh đặt ra thách thức như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khu vực Châu Á nơi có nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam? Cần làm gì để giảm thiểu các tác động? Cùng bàn luận về vấn đề này với vị khách mời: Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hồng Nhung