Điểm tô thêm sắc màu thổ cẩm ở biên giới Nậm Pồ

Ở nhiều địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghề may dệt trang phục truyền thống đang dần mất đi. Thế nhưng ở xã Nà Bủng huyện biên giới Nậm Pồ tỉnh Điện Biên, có một người phụ nữ Mông đang miệt mài vận động chị em trong bản duy trì và giữ gìn, phát triển nghề dệt may thổ cẩm, vừa để giữ lại những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình, vừa giúp nhiều chị em có thêm thu nhập và thoát nghèo. Câu chuyện được phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam khu vực Tây Bắc ghi lại.

Lặng lẽ, tỉ mẩn in từng nét sáp ong lên mặt vải dệt bằng sợi lanh, chị Tráng Thị Cầu thường dành  cả ngày cho khâu chuẩn bị đầu tiên để dệt nên một tấm thổ cẩm. Ở vùng biên giới Nậm Pồ xa xôi này, nơi có rất đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhận thấy bà con dân bản đều mặc trang phục chủ yếu đi nhập, mua từ nơi khác về, chị Tráng Thị Cầu đau đáu khi thấy nghề dệt may truyền thống của dân tộc mình có nguy cơ mất đi.

Các đơn hàng trong nước và nước ngoài đặt đều đặn hơn, với sự hỗ trợ của hội liên hiệp phụ nữ huyện Nậm Pồ và xã Nà Bủng, chị Tráng Thị Cầu mạnh dạn cùng chị em lập nên tổ thêu may truyền thống. Đến nay, tại xã đã có 2 mô hình phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông bản Nà Bủng 1 và mô hình nghề thêu chân váy bản Pá Kha, với 70 hội viên tham gia.  

Mỗi bộ trang phục tùy kiểu dáng, kích thước sẽ có giá 2 - 4 triệu đồng,  trung bình mỗi năm cũng mang lại thu nhập cho các hội viên khoảng 30 - 50 triệu đồng. Vừa duy trì mô hình, chị Cầu và các chị em trong tổ còn đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước. Từ tình yêu đối với trang phụ truyền thống, chị Tráng Thị Cầu đã lan toả tới các chị em khác, gìn giữ để những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình không bị mai một theo thời gian.

Thuý Hà -

Sơn Nam