Điểm tin quốc tế tối 01/03: Ukraine kêu gọi lập vùng cấm bay

Ukraine kêu gọi lập vùng cấm bay; nhiều nước viện trợ vũ khí cho Kiev; Nga họp khẩn ứng phó với các lệnh trừng phạt mới; các nước tăng cường hỗ trợ người tị nạn Ukraine... là những tin tức đáng chú ý trên thế giới tối ngày 01/03.

Tiếp tục cập nhật tình hình tại Ukraine. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng kêu gọi phương Tây áp đặt vùng cấm bay trên toàn bộ không phận của Ukraine đối với các máy bay, trực thăng và tên lửa của Nga. Trong khi đó, các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Maxar Technologies cho thấy, đoàn xe quân sự Nga đã tới ngoại ô Kiev, dài khoảng 64 km, tức là dài hơn so với độ dài 27 km trong ảnh chụp trước đó.

Ukraine kêu gọi lập vùng cấm bay

Giữa lúc chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã lên tiếng hối thúc các nước phương Tây đóng cửa hoàn toàn không phận đối với tên lửa, máy bay và trực thăng Nga, nhằm đáp việc Nga pháo kích vào thành phố Kharkiv của Ukraine.

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKIY: "Tên lửa, bom và pháo, phải được ngăn chặn ngay lập tức. Tôi tin rằng việc đóng cửa hoàn toàn không phận đối với tên lửa, máy bay và trực thăng của Nga nên được xem xét."

Tổng thống Zelenskiy cũng cho biết Nga đã thực hiện 56 cuộc tấn công bằng tên lửa và bắn 113 tên lửa hành trình trong 5 ngày qua kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào ngày 24/2.

Trong phản ứng mới nhất, Nhà Trắng đã bác đề xuất của Tổng thống Ukraine Zelensky về việc thiết lập vùng cấm bay đối với các chuyến bay của Nga trên không phận Ukraine, đồng thời cho rằng việc Mỹ tham gia động thái như vậy tương đương với một cuộc xung đột trực tiếp với Moksva - điều mà Washington không mong muốn. 

Trong khi đó, tình hình trên thực địa vẫn tiếp tục có những diễn biến mới. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, đoàn xe quân sự Nga đã tới ngoại ô Kiev, dài khoảng 64 km. Maxar Technologies cũng cho biết, một số đơn vị bộ binh và trực thăng tấn công cũng xuất hiện ở miền Nam Belarus, cách biên giới Ukraine gần 32 km.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát hai thành phố Berdyansk và Enerhodar, nằm trên bờ biển hướng nhìn ra biển Azov và là hai địa phương của Ukraine mới nhất phía Nga giành quyền kiểm soát, sau TP Melitopol hôm 26/2.

Trong bối cảnh tình hình chiến sự diễn biến phức tạp, tiếp tục có thêm nhiều quốc gia tuyên bố hỗ trợ vũ khí cho Ki-ép. Australia, Phần Lan, Canada, là những quốc gia mới nhất đưa ra cam kết này. Cùng lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra 3 điều kiện để giải quyết khủng hoảng Ukraine.

Nhiều nước viện trợ vũ khí cho Kiev

Thủ tướng Scott Morrison hôm nay tuyên bố, Australia sẽ chi 50 triệu USD để mua thiết bị quân sự, trong đó đa phần là vũ khí sát thương, bao gồm tên lửa và đạn dược, để hỗ trợ lực lượng quốc phòng Ukraine

Thủ tướng Australia SCOTT MORRISON: “Chúng tôi cam kết sẽ chi 50 triệu USD để ủng hộ việc mua vũ khí sát thương và thiết bị phi sát thương cho Ukraine. Chúng ta đang nói về tên lửa, đạn dược. Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine cùng với sự hợp tác của NATO”.

Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ chi 35 triệu đô-la Australia thông qua tổ chức quốc tế hỗ trợ nhân đạo cho những người Ukraine phải rời khỏi đất nước và tị nạn ở các quốc gia láng giềng. Song song với đó, Australia cũng đẩy nhanh việc xem xét cấp thị thực cho những công dân Ukraine đang có nhu cầu nhập cảnh vào nước này.

Trong một động thái tương tự, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố, Canada sẽ cung cấp vũ khí chống tăng và đạn dược cho Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga.

Thủ tướng Canada JUSTIN TRUDEAU: “Đây là lô vũ khí bổ sung cho 3 lần trước đó, Canada đã cung cấp vũ khí vũ khí sát thương và phi sát thương cho Ukraine. Lực lượng Vũ trang Canada cũng sẽ hỗ trợ không vận để vận chuyển vật tư, viện trợ và đóng góp vào các nỗ lực khác của NATO.”

Trong khi đó, Phần Lan cũng tuyên bố sẽ cung cấp 2.500 súng trường tấn công, 150.000 băng đạn cho súng trường tấn công, 1.500 vũ khí chống tăng cho Ukraine.

NGA NÊU ĐIỀU KIỆN GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG UKRAINE

Giữa lúc chiến sự phức tạp, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm, trao đổi nghiêm túc và chi tiết về mọi khía cạnh của tình hình. Nhà lãnh đạo Nga đã liệt kê các điều kiện cần thiết để giải quyết vấn đề Ukraine.

Tổng thống Putin khẳng định, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được tính đến vô điều kiện, bao gồm việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, giải pháp cho các nhiệm vụ phi quân sự hóa Ukraine và đảm bảo vị thế trung lập của nước này. 

Đồng thời, lưu ý rằng, phía Nga sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với các đại diện của Ukraine và hy vọng rằng, chúng sẽ đem lại kết quả mong muốn.Tổng thống Nga đặc biệt lưu ý đến việc, các lực lượng vũ trang Nga không đe dọa dân thường và không tấn công vào các đối tượng dân sự. 

Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây liên tiếp tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Mát-xcơ-va, Tổng thống Putin đã chủ trì một cuộc họp với các quan chức chủ chốt các Bộ ngành, để đưa ra biện pháp ứng phó với các lệnh trừng phạt “lớn chưa từng có” và “chưa dừng lại” của các nước.

Nga họp khẩn ứng phó với các lệnh trừng phạt mới

Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, các nước phương Tây đã ngay lập tức tung ra các lệnh trừng phạt lên Moksva. Và các lệnh trừng phạt này đã có tác động ngay lập tức. Đồng ruble của Nga đã giảm giá ở mức thấp kỷ lục và Ngân hàng Trung ương Nga buộc phải tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản, lên 20%.

Người dân Nga: "Tình hình kinh tế Nga sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Đó là điều không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh này, giá cả nhiều mặt hang đang tăng"

Nhằm tìm cách ứng phó, Tổng thống Putin đã chủ trì một cuộc họp với Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và người đứng đầu ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga - Sberbank và Ngân hàng Trung ương Nga.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN:Chúng ta có mặt ở đây để thảo luận về các vấn đề kinh tế và tài chính mà tôi đã thảo luận với Thủ tướng Mikhail Mishustin. Đương nhiên, ý tôi muốn nói là các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây, đang áp đặt lên đất nước của chúng ta”.

Tổng thống Nga Putin đã ký Sắc lệnh “Về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt liên quan đến các hành động không thân thiện của Mỹ và các quốc gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế đã tham gia”. Sắc lệnh này bao gồm việc cấm chuyển tiền mặt ra nước ngoài. 

Các nhà xuất khẩu Nga giờ đây sẽ phải giữ 80% dự trữ của họ bằng đồng Ruble, có nghĩa là các tập đoàn lớn như tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga sẽ phải bán ngoại tệ.

Hiện phương Tây cảnh báo, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vẫn chưa dừng lại. Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Ned Price, nếu tình hình Ukraine tiếp tục leo thang, Mỹ và các nước đồng minh sẽ trừng phạt nhiều hơn nữa.

Ông NED PRICE, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ:Chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa, nếu Nga tiếp tục leo thang. Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy Nga đã sẵn sàng để thay đổi”.

Mỹ cũng cho biết, họ đã cấm tất cả giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga tại Mỹ và đã đóng băng dự trữ của ngân hàng này, trong khi Thụy Sỹ cũng tuyên bố họ sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như EU công bố vào cuối tuần.

Không chỉ gây thương vong trên thực địa, xung đột và giao tranh còn khiến hàng triệu người dân Ukraine phải rời bỏ quê hương đi sang các quốc gia láng giềng tránh nạn. Dòng người đổ về các khu vực biên giới Ukraine đang ngày càng lớn. Hiện các quốc gia láng giềng đang tích cực hỗ trợ người tị nạn Ukraine, khi nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng hiện hữu.

Các nước tăng cường hỗ trợ người tị nạn Ukraine

Bất chấp thời tiết lạnh giá, tuyết rơi dày hay đêm tối, hàng trăm nghìn người Ukraine đã lựa chọn ô tô, tàu hỏa, thậm chí là đi bộ để đến khu vực biên giới với các quốc gia láng giềng, để tránh nạn. 

Hầu hết trong số họ là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi bởi Tổng thống nước này Volodymyr Zelenskyy đã cấm nam giới trong độ tuổi từ 18-60 rời lãnh thổ.

Vượt qua một hành trình và nguy hiểm, đích đến của họ là những lán trại vừa được các tình nguyện tại Ba Lan lập lên để tiếp nhận người tị nạn Ukraine.

Còn tại nhà ga xe lửa Nyugati tại thành phố Budapest, Hungary, hàng nghìn người tị nạn Ukraine đã may mắn nhận được sự giúp đỡ của các tình nguyện viên địa phương. Giờ đây, những chiếc bánh mì nhỏ bé cũng trở nên quý giá vô cùng.

Người tị nạn Ukraine: “Chúng tôi phải bỏ lại mọi thứ. Bố tôi, gia đình tôi, chồng tôi, nhà của tôi, tất cả đều phải ở lại Ukraine.”

Tình nguyện viên:Trái tim tôi như tan vỡ. tôi đọc thông tin về tình hình chiến sự và cảm thấy rất đau lòng, nên tôi muốn giúp đỡ mọi người.”

Theo Liên hợp quốc, hơn 500.000 người đã rời Ukraine sang các nước láng giềng kể từ khi chiến sự nổ ra. Trong khi đó, giới chức EU cảnh báo, xung đột có thể khiến 7 triệu người Ukraine phải di tản.

Chuyển sang những tin tức quốc tế đáng chú ý khác, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc vào ngày 1/4 trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai bên. Đây là thông báo vừa được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis đưa ra. 

Thượng đỉnh EU - Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 1/4

Dự kiến hai phía EU và Trung Quốc sẽ thảo luận một loạt các chủ đề quan trọng như Hiệp định đầu tư EU – Trung Quốc, mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Litva, một quốc gia thành viên của EU, cũng như hợp tác giữa hai bên trong chống biến đổi khí hậu, cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới - WTO. 

Quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã xuống dốc nghiêm trọng kể từ đầu năm 2021 sau khi hai bên công bố các lệnh trừng phạt lẫn nhau liên quan đến các vấn đề còn bất đồng. Vụ việc này đã khiến Nghị viện châu Âu đóng băng vô thời hạn tiến trình phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc được hai bên hoàn tất vào cuối năm 2020.

Do căng thẳng địa chính trị hiện nay tại châu Âu cũng như quy định chống dịch Covid-19 của Trung Quốc, nhiều khả năng Thượng đỉnh EU-Trung Quốc sắp tới vẫn sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Kế hoạch B khi đàm phán hạt nhân Iran thất bại

Liên quan đến hồ sơ Iran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm nay cho biết, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang ở giai đoạn quyết định, và Mỹ muốn thấy sự rõ ràng hơn từ phía Iran trong việc thúc đẩy đàm phán đạt tiến triển. Washington và các đồng minh cũng đã chuẩn bị kế hoạch thay thế trong trường hợp đàm phán không thành công.

Theo ông Ned Price, Washington nhận thấy chương trình hạt nhân Iran đã có những bước tiến mà thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 có thể sẽ không còn đảm bảo được những lợi ích cơ bản nếu không được sửa đổi. Về phần mình, Iran cũng đang kêu gọi các nước phương Tây cần quyết định trong một số vấn đề quan trọng để đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 đạt kết quả.
Trong khi đó, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva cũng kêu gọi các bên đưa ra những quyết định chính trị trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán.

Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, được bắt đầu từ tháng 4/2021 tại Vienna và đến nay đã diễn ra 8 vòng. Đàm phán có sự tham gia của Iran với Đức, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc, trong khi Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU).

Trong thông điệp gửi tới họp báo công bố báo cáo mới của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Tổng Thư ký Guterres khẳng định, đây là lúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng để thúc đẩy một tương lai năng lượng tái tạo, đồng thời hối thúc các nước đẩy nhanh tiến trình này. 

Liên hợp quốc hồi thúc các nước chuyển đổi năng lượng xanh

Báo cáo mới dài 3.600 trang của IPCC tập trung đánh giá các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với con người và tự nhiên. Theo đó, nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không được kiểm soát thì một số khu vực đông đúc nhất trên thế giới sẽ không thể sinh sống nổi.

Lãnh đạo Liên hợp quốc cho rằng bản báo cáo chính là tập bản đồ chỉ rõ những thiệt hại mà con người đang hứng chịu và cũng là bằng chứng cho thấy những nỗ lực bảo vệ khí hậu từ cấp lãnh đạo chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ông cảnh báo nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1 độ C so với thời kỳ trước cách mạnh công nghiệp nên việc có thể đạt được mục tiêu kiềm chế nhiệt tăng ở mức 1,5 độ C-2 độ C vào cuối thế kỷ càng khó khăn hơn.

Đinh Giang