Điểm tin quốc tế ngày 23/4: Nga cấm nhập cảnh nhiều nhân vật cấp cao của Mỹ

Nga vừa đưa ra lệnh cấm nhập cảnh với hàng loạt nhân vật cấp cao của Mỹ; Di chứng hậu Covid-19 ảnh hưởng đến đa số bộ phận của cơ thể; Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự; Du lịch Sri Lanka lao đao vì khủng hoảng kinh tế... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 23/4/2022.

NGA CẤM NHẬP CẢNH NHIỀU NHÂN VẬT CẤP CAO CỦA MỸ

Nga vừa đưa ra lệnh cấm nhập cảnh với hàng loạt nhân vật cấp cao của Mỹ, một động thái nhằm trả đũa những lệnh trừng phạt của phương Tây.

Danh sách bị cấm nhập cảnh vào Nga bao gồm: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, lệnh cấm cũng áp dụng với các quan chức Lầu Năm Góc, các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và các nhà báo Mỹ. Được biết, những người có tên trong danh sách trừng phạt này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nga vô thời hạn.

ĐỨC TIẾP TỤC VIỆN TRỢ QUÂN SỰ CHO UKRAINE

Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự và sẽ làm việc với ngành công nghiệp vũ khí và các quốc gia khác để gửi thêm vũ khí cho Kiev.

Sau cuộc hội đàm trực tuyến với các lãnh đạo Mỹ, EU (Liên minh châu Âu) và nhóm G7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô-láp Xôn) cho biết, phương Tây đang phối hợp vận chuyển nhiều vũ khí hơn cho Ukraine. Ông cũng nhận định việc Đức và các nước đồng minh gửi thêm xe tăng Leopard (Lê-ô-pát) cho Ukraine là hoàn toàn hợp lý. Bên cạnh đó, Đức cũng đang liên lạc giữa các nhà sản xuất thiết bị quân sự của Đức và Ukraine để cung cấp cho nước này các loại vũ khí như vũ khí chống tăng và phòng không.

THÁI LAN SẮP BỎ YỀU CẦU XÉT NGHIỆM COVID-19 VỚI KHÁCH DU LỊCH

Thái Lan sẽ bỏ xét nghiệm Covid-19 đối với người nhập cảnh vào tháng 5 sắp tới, trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tại nước này. 

Kể từ ngày 1/5, du khách quốc tế không cần phải có chứng nhận âm tính Covid-19. Đồng thời cũng không cần đặt trước phòng khách sạn cách ly mà có thể tự do di chuyển khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Dù vậy, du khách vẫn được khuyến khích tự xét nghiệm kháng nguyên nhanh và theo dõi sức khỏe khi ở Thái Lan. Yêu cầu về mức chi trả bảo hiểm du lịch sẽ giảm từ 20.000 xuống còn 10.000 USD.  Trong khi đó, những khách du lịch chưa được tiêm vaccine phải đặt phòng khách sạn theo tiêu chuẩn SHA+ và làm xét nghiệm PCR khi nhập cảnh. Quyết định mới được đưa ra được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi ngành du lịch của quốc gia này.

DU LỊCH SRI LANKA LAO ĐAO VÌ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ

Sri Lanka là quốc gia vốn nổi tiếng với nhiều khu du lịch biển nổi tiếng và kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến ngành du lịch bị đình trệ, trong khi đây lại là nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước.

 Những nhà hàng vắng vẻ, những con thuyền đắp chiếu bên bờ sông Madu Ganga, vốn từng là điểm thu hút khách du lịch với khu rừng ngập mặn. Đó là dấu hiệu cho thấy một thời kỳ khó khăn mà chủ các khu nghỉ dưỡng và các công ty lữ hành ở Sri Lanka phải đối mặt.  

 Ông MANOJ DE SILVA, Quản lý Khách sạn Mangrove Cave, Sri Lanka:" Chi phí nhiên liệu đã tăng lên khi mọi thứ đều cần được vận hành. Tại nhà hàng của khách sạn, chúng tôi vẫn phải trả lương đều cho nhân viên trọng khi mọi chi phí đều tăng, từ những thứ nhỏ nhất."

Dữ liệu được công bố từ cơ quan du lịch Sri Lanka cho thấy, kể từ tháng 3 vừa qua, lượng khách hàng tháng của nước này đã vượt mốc 100.000 lần đầu tiên trong hai năm, đánh dấu điều mà nhiều người cho rằng sẽ là sự hồi sinh sau hai năm khó khăn trong đại dịch Covid-19. Nhưng lượng khách trung bình hàng ngày đã giảm xuống chỉ còn 2500 lượt mỗi ngày vào đầu tháng 4.

Ông MAXMILLIAN SCHEUNERT: Khi đến đây du lịch tôi muốn được thưởng thức nhiều món ngon, nhưng có vẻ như các nhà hàng đều đã đóng cửa. Bên cạnh đó, việc mua xăng để tự lái xe tham quan ở đây trong vài tuần cũng đã trở thành 1 cản trở đối với tôi do gía xăng tăng quá cao, mà nhiều trạm xăng thường xuyên hết hàng.

Tại Sri Lanka, du lịch là nguồn ngoại tệ lớn thứ ba và tăng trưởng nhanh nhất đối với nước này, chiếm 4,9% GDP của cả nước vào năm 2018. Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia dự kiến quá trình phục hồi kinh tế sẽ phải mất vài tháng hoặc thậm chí trong nhiều năm./.

NGHIÊN CỨU MỚI VỀ DI CHỨNG HẬU COVID-19

Di chứng hậu Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến phổi hoặc các cơ quan hô hấp, mà còn được ghi nhận ở đa số các bộ phận trong cơ thể con người. Đây là kết luận từ một nghiên cứu mới đây của Hàn Quốc

Đối với người nhiễm Covid-19,  nhiều bộ phận trên cơ thể sẽ bị ảnh hưởng sau khi âm tính. Không chỉ tác động lên phổi và các cơ quan hô hấp khác, những bộ phận trong cơ thể người như não bộ, tim, thận và thậm chí là cả tóc cũng bị ảnh hưởng sau khi cơ thể nhiễm virus Sars-Cov-2. Theo so sánh và phân tích từ 3 nhóm đối tượng nghiên cứu: nhóm dương tính với Sars-Cov-2, nhóm mắc cúm và nhóm âm tính. So với hai nhóm không mắc bệnh, nhóm mắc Covid-19 có nguy cơ cao hơn gặp phải rối loạn khứu giác, giãn phế quản, viêm phổi, rụng tóc… từ 3 đến 9 lần. Theo nghiên cứu, đa số những hội chứng này xảy ra trong 3 tháng sau khi mắc bệnh. Các nhà khoa học khuyến cáo, những người có triệu chứng trong 3 tháng sau khi mắc Covid-19 cần được thường xuyên theo dõi sức khoẻ để điều trị đúng cách./.

Đinh Phượng