Điểm báo: Xã hội hoá y tế: Đòi hỏi sớm xoá bỏ sự mập mờ

Xã hội hoá y tế: Đòi hỏi sớm xoá bỏ sự mập mờ; Giám sát tốt virus, chặn dịch cúm gia cầm; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Phải có sàng lọc, đào thải mới có sự phát triển; Gói hỗ trợ lãi suất vay 2%/năm: Ngân hàng “ngại”, doanh nghiệp than khó ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 16/9/2022.

XÃ HỘI HOÁ Y TẾ: ĐÒI HỎI SỚM XOÁ BỎ SỰ MẬP MỜ

Sáng 16/09, trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị đưa tin, góp ý vào dự thảo Luật Khám chữa bệnh (KCB) (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ sự mập mờ trong xã hội hóa y tế tạo sự minh bạch, tránh công - tư lẫn lộn để rồi có thể dẫn đến tiêu cực khiến người bệnh thiệt thòi và bác sĩ vướng vòng lao lý.

Cụ thể theo bài viết, xung quanh câu chuyện xã hội hóa y tế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khẳng định, Xã hội hóa không đồng nghĩa với việc để các bệnh viện công đi làm kinh doanh, phải hiểu rằng xã hội hóa ở đây là cho phép tư nhân tham gia vào việc cung cấp dịch vụ y tế ở hình thức có lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận. Và cũng theo các chuyên gia, Cần phải đảm bảo "công ra công, tư ra tư" và nếu xã hội hóa cũng phải phi lợi nhuận. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, hợp tác công - tư là cần thiết giúp tận dụng nguồn lực bên ngoài. Vấn đề là hình thức hợp tác ra sao để thu hút nguồn lực xã hội và đòi hỏi trong thời gian tới Nhà nước cần có hành lang pháp lý rõ ràng để huy động nguồn lực tư nhân đầu tư vào y tế, đảm bảo sự minh bạch, không nên "mập mờ" công - tư.

GIÁM SÁT TỐT VIRUS, CHẶN DỊCH CÚM GIA CẦM

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 22 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) tại 20 huyện của 13 tỉnh, thành phố... Việc giám sát tốt nguồn gốc và chủng virus CGC đã giúp ngành chức năng và các địa phương ngăn chặn hiệu quả các ổ dịch. Thông tin đáng chú đăng tải trên báo Nông thôn ngày nay số ra sáng 16/09.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, so với cùng kỳ năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, số ổ dịch cúm gia cầm giảm 4 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,1 lần và số gia cầm tiêu hủy giảm 6,3 lần. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 58.480 con. Theo đại diện lãnh đạo Bộ NNPTNT khẳng định giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật là cách tiếp cận toàn diện giúp Việt Nam khống chế CGC và các bệnh lây truyền từ động vật sang người, qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lực đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, từ đó có những giải pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng lực thú y và nhận thức của người chăn nuôi để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: PHẢI CÓ SÀNG LỌC, ĐÀO THẢI MỚI CÓ SỰ PHÁT TRIỂN 

Trên trang nhất Thời báo Tài chính Việt Nam đưa tin, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua xuất hiện những yếu tố rủi ro và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá đây vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và đề xuất những giải pháp khắc phục các rủi ro, khai thác các mặt tích cực để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Thời gian vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có xuất hiện một số yếu tố rủi ro, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường này cũng vẫn cần được nhìn nhận đúng vai trò của nó là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Một trong những giải pháp chung được nhiều chuyên gia đồng tình là việc cần phải có hệ thống xếp hạng tín nhiệm. Các chuyên gia cho rằng, thị trường trái phiếu cũng như các loại thị trường khác, trong quá trình phát triển phải có sàng lọc, đào thải mới có sự phát triển. Do đó, bất cứ thị trường nào cũng đều có rủi ro, vấn đề đặt ra là cần có những công cụ hiệu quả đo lường rủi ro để nhà đầu tư có thể nhận diện khi tham gia thị trường.

GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT VAY 2%/NĂM: NGÂN HÀNG “NGẠI”, DOANH NGHIỆP THAN KHÓ 

Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng ban hành, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Theo Nghị định 31, có 11 nhóm ngành nghề có nhiều cơ hội phục hồi được hỗ trợ. Mức lãi suất hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh của nhóm này là 2%/năm. Tuy nhiên, theo quy định, chỉ những khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi mới được vay, nhưng lại không có tiêu chí cụ thể như thế nào là phục hồi, khiến không ít doanh nghiệp lâm vào thế khó. Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận gói vay này, điều quan trọng nhất hiện nay là những quy định cần được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và phù hợp với thực tế để doanh nghiệp được thuận lợi tiếp cận gói hỗ trợ, khôi phục sản xuất. Thực tế, một số ngân hàng thương mại cũng "ngại" cho vay theo gói hỗ trợ này, vì sau đó ngân hàng phải làm thủ tục và chờ nhận lại phần bù lãi suất nên rất thận trọng.