Điểm báo: Tiền có trong ngân hàng nhưng nền kinh tế thiếu tiền

Lí do không quy định giá sàn đối với sách giáo khoa; Sớm xóa sổ nạn mua bán dữ liệu cá nhân ; Mong ngóng điểm thi lớp 10;... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 20/6.

LÍ DO KHÔNG QUY ĐỊNH GIÁ SÀN ĐỐI VỚI SÁCH GIÁO KHOA

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi). Trong đó, sách giáo khoa sẽ tiếp tục được áp giá trần là điều được dư luận quan tâm. Vấn đề được nhiều tờ báo quan tâm bình luận.

Theo báo Lao động, Sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân. Vì vậy, định giá trần sách giáo khoa để không tác động tiêu cực đến người dân, nhất là người thu nhập thấp. Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

SỚM XÓA SỔ NẠN MUA BÁN DỮ LIỆU CÁ NHÂN 

Vừa qua, hàng chục nhân viên ngân hàng bị triệu tập vì mua bán thông tin khách hàng. Nhiều thập niên trước, dữ liệu cá nhân được nhiều quốc gia xác định là nguồn tài nguyên. Ngày nay, điều đó càng rõ ràng khi cư dân tham gia không gian mạng. Bài viết trên báo Tuổi trẻ.

Điều đáng lên án là những người bán dữ liệu khách hàng chính là nhân viên của các ngân hàng được cấp quyền tiếp cận với dữ liệu này. Mỗi tài khoản được rao bán ít nhất từ 200.000 - 500.000 đồng, thậm chí 1,9 triệu đồng. Đã đến lúc không thể xem dữ liệu cá nhân là món hàng để mua bán. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân phải tuân thủ pháp luật, nếu không sẽ bị trừng phạt. Chính phủ vừa ban hành nghị định 13/2023 bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo báo Tuổi trẻ, song song với nghị định trên, Đã đến lúc chúng ta cần những công nghệ mới, các công cụ rà soát nhằm phát hiện sớm các vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng

MONG NGÓNG ĐIỂM THI LỚP 10

Mặc dù theo hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 của Hà Nội, đầu tháng 7 sẽ công bố điểm nhưng phụ huynh và thí sinh đều rất sốt ruột mong ngóng điểm thi. Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, đây là chủ đề thu hút sự quan tâm của mọi người. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Theo Báo đại đoàn kết, dự kiến thời gian chấm thi kéo dài đến ngày 25/6. Sau đó sẽ ghép điểm xét tuyển, in phiếu báo kết quả thi cho từng thí sinh. Chậm nhất ngày 4/7, sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội sẽ công bố điểm các bài thi của thí sinh. Từ ngày 8 - 9/7, sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của từng trường THPT. Tuy nhiên, với sự tích cực đẩy nhanh tiến độ trong các công đoạn chấm thi, kết quả thi có thể sẽ được công bố sớm hơn vài ngày so với kế hoạch. Với đề thi được đánh giá là “dễ thở”, không đánh đố học sinh, nhiều ý kiến lo lắng điểm chuẩn năm nay vào nhiều trường THPT sẽ tăng cao, đặc biệt là trường top giữa do có nhiều thí sinh đăng ký dự thi.

TIỀN CÓ TRONG NGÂN HÀNG NHƯNG NỀN KINH TẾ THIẾU TIỀN

Theo các chuyên gia, nền kinh tế đất nước đang thiếu tiền. Động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao lãi suất điều hành liên tục hạ mà tiền chảy vào nền kinh tế vẫn chậm? Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

Theo báo Kinh tế và đô thị, Nền kinh tế đang thiếu tiền nghiêm trọng, tổng phương tiện thanh toán hiện nay mới tăng 3% là quá ít. Hiện nay nền kinh tế đang thiếu 3 điều. Thứ nhất là thiếu thanh khoản. Thứ 2 là thiếu công ăn việc làm. Thứ 3 là sản phẩm thiếu đầu ra. Có đến 1 triệu tỉ đồng đang nằm ở hệ thống ngân hàng chưa đưa ra nền kinh tế. Giải pháp đầu tiên là cần cung tiền ra nền kinh tế bằng hai con đường. Trước mắt là nếu ngân sách chưa chi tiêu được, các khoản tiền dùng mua ngoại tệ thì tạm thời để nền kinh tế có nhiều tiền hơn, thanh khoản tốt hơn qua kênh tín dụng, chi tiêu của người dân và doanh nghiệp.Tiếp đến là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam