Điểm báo sáng 21/10: Thu phí vào nội đô: Liệu có nóng vội?

Thu phí vào nội đô: Liệu có nóng vội?; Doanh nghiệp nhà nước: Bức tranh lỗ, lãi xám màu; Khi bệnh viện muốn quay về với “Bầu sữa ngân sách” ... là những thông tin đáng chú ý trên các mặt báo sáng 21/10..

THU PHÍ VÀO NỘI ĐÔ: LIỆU CÓ NÓNG VỘI?

Liên quan đến đề xuất Xây dựng 87 trạm thu phí vào trung tâm Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng đề án này chưa hợp lý, nếu "nóng vội" thực hiện, dễ gây tác dụng ngược.

Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, theo kết quả điều tra xã hội học cho thấy mức phí chấp nhận được của người dân là 22,3 ngàn đồng. Báo Đại đoàn kết đề cập, Đề xuất thực hiện từ nay cho tới 2024 sẽ rất khó thực hiện được vì mạng lưới giao thông công cộng tại Hà Nội hiện vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh khiến người dân chưa mặn mà khi sử dụng. Đặc biệt, hiện nay Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động.

DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC: BỨC TRANH LỖ, LÃI XÁM MÀU

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021. Bên cạnh kết quả tươi sáng, vẫn còn một số Doanh nghiệp Nhà nước rơi vào tình trạng giảm lãi sâu. Bài viết trên báo Tiền phong số ra sáng nay.

Báo Tiền phong trích dẫn báo cáo của Chính phủ như sau: Còn tư tưởng chưa muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỉ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. Nhiều ý kiến cho rằng, để cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả cần gắn trách nhiệm của từng cá nhân, người đứng đầu doanh nghiệp và cơ quan chủ quản. Chúng ta phải mạnh tay hơn, có thái độ quyết liệt hơn để xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, làm chậm quá trình cổ phần hóa. Từ đó, hạn chế dần tình trạng Doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ nguồn lực nhà nước rồi thua lỗ, gây thất thoát, lãng phí.

KHI BỆNH VIỆN MUỐN QUAY VỀ VỚI “BẦU SỮA NGÂN SÁCH"

Sau hai năm thí điểm, tất cả bệnh viện trong nhóm thí điểm đều từ chối tiếp tục tự chủ toàn diện. Báo Tuổi trẻ có bài viết: “Khi bệnh viện muốn quay về với bầu sữa ngân sách”.

Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi, nếu đã cho tự chủ, nay hết thí điểm bệnh viện quay lại cơ chế cũ có phải là thí điểm thất bại? Thực tế, cho bệnh viện công tự chủ toàn diện là cho họ hoạt động như doanh nghiệp. Nhưng bệnh viện lại là dịch vụ an sinh xã hội, bên cạnh nhiệm vụ lo lương và thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ, lo đầu tư cơ sở vật chất, lo mua thuốc men và thiết bị, nhiệm vụ quan trọng là bệnh viện phải lo khám chữa bệnh với mức giá theo khung mà liên bộ Y tế - Tài chính ban hành. Nhưng cũng không thể vì thế mà bệnh viện không đổi mới hoạt động, công ra công, tư ra tư, thay cho tình trạng nhập nhèm công tư để tăng nguồn thu (phần lớn vào túi một số người) như bấy lâu nay.