Điểm báo quốc tế: Lý do G7 không dễ áp giá trần với dầu mỏ Nga là gì?

Bộ trưởng quốc phòng Nga - Mỹ điện đàm về tình hình Ukraine; Italy: Bà Giorgia Meloni công bố thành phần nội các; Hàn Quốc bắt giữ cựu quan chức; Australia tăng tiền phạt đối với các công ty vi phạm rò rỉ dữ liệu; Lý do G7 không dễ áp giá trần với dầu mỏ Nga ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 22/10/2022.

BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG NGA - MỸ ĐIỆN ĐÀM

Theo The Moscow Times, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin về các vấn đề an ninh quốc tế, bao gồm cả tình hình ở Ukraine.

Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc cho biết bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc” trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Cuộc điện đàm đánh dấu lần tiếp xúc đầu tiên được xác nhận giữa hai quan chức quốc phòng hàng đầu của hai nước kể từ tháng 5 và lần thứ hai kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

ITALY: BÀ GIORGIA MELONI CÔNG BỐ THÀNH PHẦN NỘI CÁC

Bà Giorgia Meloni đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Italy. Bà Meloni đã công bố thành phần nội các của mình.

Trang Euronews cho hay ông Matteo Salvini đã được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Italy. Đây là lần thứ hai ông giữ chức vụ này, đồng thời là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Italy. Trong số những cái tên nổi bật khác có cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani, người sẽ là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng mới. Bà Meloni sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào lúc 10h ngày 22/10 (theo giờ địa phương).

HÀN QUỐC BẮT GIỮ CỰU QUAN CHỨC

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook và Tư lệnh Cảnh sát biển Kim Hong-hee đã bị bắt giữ. Hai ông bị cáo buộc sai phạm trong xử lý vụ việc Triều Tiên bắn chết một quan chức ngành thủy sản Hàn Quốc hồi tháng 9/2020. Tin đăng tải trên tờ The Korea Herald.

Cả hai quan chức trên bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và giả mạo các tài liệu liên quan đến kết luận của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in khi đó khi chưa có đủ chứng cớ về việc quan chức thủy sản cố gắng đào tẩu sang miền Bắc. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook bị nghi ngờ cố tình xóa các báo cáo tình báo cho thấy quan chức Lee Dae-jun không có ý định đào tẩu và ra lệnh viết một báo cáo sai sự thật trình Hội đồng tham mưu trưởng liên quân.

AUSTRALIA TĂNG TIỀN PHẠT ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP RÒ RỈ DỮ LIỆU

Australia sẽ tăng mức phạt tài chính áp dụng đối với các công ty vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng hoặc nhiều lần. Mức phạt mới sẽ lên thành ít nhất 50 triệu đô la, từ mức 2,2 triệu như hiện nay.

Luật được đề xuất sẽ khiến tiền phạt đối với "vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng hoặc nhiều lần" tăng lên 50 triệu đô la, gấp ba lần giá trị lợi ích thu được do sử dụng sai dữ liệu hoặc 30% doanh thu được điều chỉnh của một công ty trong giai đoạn liên quan. Trong khi đó phe đối lập tại nước này đã kêu gọi các hình phạt cứng rắn hơn để đối phó với các sự cố mạng lớn. Tháng trước, phe đối lập cũng đề xuất tội danh tống tiền mạng mới sẽ bị phạt tù tối đa 10 năm.

LÍ DO G7 KHÔNG DỄ ÁP GIÁ TRẦN VỚI DẦU MỎ NGA

Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước đã đồng ý áp giá trần dầu Nga ở mức thấp và biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12. Việc áp giá trần dầu Nga đòi hỏi nỗ lực hợp tác toàn cầu, song nhiều nước đang hưởng lợi nhờ giá dầu Nga rẻ có thể không sẵn sàng tham gia.

Theo Reuters, động thái áp giá trần đối với dầu mỏ Nga của G7 đang vấp phải sự phản đối từ những công ty chính trong ngành dầu mỏ toàn cầu, do lo ngại động thái này có thể làm tê liệt hoạt động thương mại trên toàn thế giới. Nhiều tháng thảo luận giữa Mỹ và các công ty bảo hiểm, thương mại và vận tải biển đã xoa dịu những lo ngại về việc họ phải gánh chịu các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, tất cả các bên giờ đều nhận ra rằng Nga phần lớn có thể lách biện pháp này nhờ các tàu và dịch vụ riêng.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết theo ước tính, 80-90% dầu của Nga sẽ tiếp tục chảy ra thị trường mà không chịu tác động của cơ chế áp giá trần. Do đó, biện pháp áp giá trần chỉ tác động tới 1 đến 2 triệu thùng dầu thô và sản phẩm tinh chế mà Nga xuất khẩu mỗi ngày.

Biện pháp áp giá trần đó có thể gây ra những khó khăn về tài chính và kỹ thuật cho Nga, nhưng cũng sẽ làm mất đi 1-2% nguồn cung toàn cầu của thế giới khi lạm phát đang gia tăng và suy thoái bùng phát.

Theo Euronews, Trung Quốc và Ấn Độ gần đây tăng cường mua dầu thô của Nga. Do đó, một mức giới hạn giá khiêm tốn của G7 sẽ không thay đổi tình hình. Thay vào đó, nếu G7 chọn áp dụng mức giới hạn nghiêm ngặt hơn, Nga có thể ngừng bán dầu hoàn toàn, và sự gián đoạn thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước đang phát triển.

Tờ The Guardian cho hay, Đức lo ngại Nga sẽ thực hiện lời đe dọa không cung cấp bất kỳ năng lượng nào cho các nước áp đặt giới hạn giá dầu. Các nhà nhập khẩu dầu khác của Nga, như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là khó có thể đồng ý tham gia vào kế hoạch này, khiến nó kém hiệu quả hơn. Hai vấn đề chính của kế hoạch là đảm bảo giá được đặt ở mức có thể thu hút Nga tiếp tục giao dịch với G7 mặc dù ở mức giá thấp hơn và thứ hai là ngăn cản Nga chuyển hướng bán dầu sang các nước không thuộc G7, đặc biệt là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.