ĐIểm báo quốc tế 5/8 : Anh tăng lãi suất mạnh nhất trong 27 năm

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ thăm Nhật Bản; Ấn Độ phê chuẩn mục tiêu khí thải mới; Anh tăng lãi suất mạnh nhất trong 27 năm; Hàn Quốc phóng tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên; Vòng đàm phán thứ 8 thỏa thuận hạt nhân Iran ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trưa 5/8/2022.

CHỦ TỊCH HẠ VIỆN MỸ THĂM NHẬT BẢN

Nhật Bản là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Pelosi sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Fumio Kishida cùng người đồng cấp Nhật Bản Hiroyuki Hosoda. Hãng tin Kyodo đưa tin.

Theo đó, dự kiến cuộc gặp giữa Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ  song phương. Hai bên cũng thảo luận về những thách thức chung trong quan hệ đồng minh nhằm đảm bảo một "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

ẤN ĐỘ PHÊ CHUẨN MỤC TIÊU KHÍ THẢI MỚI

Ấn Độ, quốc gia có lượng khí thải CO2 lớn thứ 3 thế giới, đã thông qua các mục tiêu mới về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Quyết định được đưa ra hơn 1 năm sau thời hạn chót mà Liên hợp quốc (LHQ) đặt ra để các quốc gia cập nhật cam kết của mình.

Theo hãng tin Reuters, trong bản cam kết mới có tên “Đóng góp do quốc gia tự quyết định”, Ấn Độ cam kết trong 7 năm tới sẽ giảm 45% cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP so với mức năm 2015. Con số này cao hơn 10% so với cam kết đưa ra năm 2016. Ấn Độ cũng sẽ hướng tới đạt mục tiêu đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng được lấy từ các nguồn tái tạo như gió và Mặt Trời vào năm 2030. Đây cũng là mức tăng so với mục tiêu 40% trước đó. Bản cam kết cập nhật sẽ được trình lên Ban thư ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu.

ANH TĂNG LÃI SUẤT MẠNH NHẤT TRONG 27 NĂM

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên 1,75%, nhằm giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao, bất chấp lo ngại rằng nền kinh tế đang tiến tới suy thoái.

Báo The Guardian đưa tin, đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 12/2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong 27 năm qua. Bài viết dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey  nhận định, “nếu không hành động ngay từ bây giờ để ngăn chặn đà tăng lạm phát, hậu quả sau này sẽ còn tồi tệ hơn và đòi hỏi phải tăng lãi suất cao hơn”. Ông nhấn mạnh “đưa lạm phát trở lại mức 2% vẫn là ưu tiên hàng đầu”.

HÀN QUỐC PHÓNG TÀU THĂM DÒ MẶT TRĂNG ĐẦU TIÊN

Báo The Korea Times đưa tin, Hàn Quốc đã phóng tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên của nước này trong bối cảnh Seoul đẩy mạnh các chương trình vũ trụ nhằm tham gia vào cuộc đua ngoài không gian.

Tàu thăm dò Danuri được phóng lên không gian bằng tên lửa Falcon 9, do công ty SpaceX phát triển. Dự kiến, chuyến hành trình tới Mặt Trăng kéo dài khoảng 4 tháng rưỡi. Danuri đánh dấu sứ mệnh không gian đầu tiên của Hàn Quốc vượt ra ngoài quỹ đạo Trái Đất. Nhiệm vụ của Danuri là đo địa hình, cường độ từ trường, tia gamma và các đặc điểm khác của bề mặt Mặt Trăng, đồng thời xác định các địa điểm đổ bộ tiềm năng cho các sứ mệnh Mặt Trăng trong tương lai. 

VÒNG ĐÀM PHÁN THỨ 8 THỎA THUẬN HẠT NHÂN IRAN

Các nhà đàm phán đã khởi động vòng thương lượng thứ 8 tại khách sạn hạng sang Palais Coburg ở thủ đô Viên (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Triển vọng của vòng đàm phán mới nhất này là nội dung được báo chí thế giới quan tâm, phân tích. 

Trong một bài viết được trang Politico đăng tải, cuộc đàm phán lần này là nỗ lực cuối cùng để cứu vãn thoả thuận hạt nhân Iran. Hiện vẫn chưa rõ cuộc đàm phán sẽ kéo dài bao lâu, nhưng bài viết cho hay, nhiều chuyên gia đã hạ thấp kỳ vọng và cảnh báo vẫn còn quá sớm để biết được liệu cuộc đàm phán có thành công hay không. Vẫn còn một số khác biệt cần được giải quyết và không rõ liệu Iran có thay đổi quan điểm của mình kể từ sau vòng đàm phán trước đó vào tháng 3. 

Trong khi đó, một bài viết trên báo The Independents cho hay, giống như các cuộc đàm phán trước đây, Mỹ sẽ không đàm phán trực tiếp với Iran, mà thông qua nhà ngoại giao của Liên minh Châu Âu EU Enrique Mora. Mỹ đã không có các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018. Dẫn lời Đại sứ Nga Mikhail Ulyanov về cuộc gặp với nhà đàm phán hàng đầu của Iran Ali Bagheri Kani, bài viết cho hay hai bên đã có “một cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắng, thực tế và mang tính xây dựng về cách thức và phương pháp khắc phục những vấn đề còn tồn đọng cuối cùng.”.

“Các cuộc đàm phán hạt nhân Iran tiếp tục: nỗ lực cuối cùng đảm bảo thỏa thuận”. Đây là nhan đề một bài viết trên báo The Washington Post. Theo bài báo, đại diện từ 6 quốc gia tham gia trực tiếp, bao gồm Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, với Mỹ tham gia gián tiếp, sẽ nhóm họp để xem xét một dự thảo thỏa thuận toàn diện mà Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đưa ra vào tháng 7 vừa qua. Dẫn lời ông Borrell, nhận định “văn bản này là thỏa thuận tốt nhất có tính khả thi”. Ông cho rằng “không có giải pháp thay thế toàn diện hoặc hiệu quả nào khác trong tầm tay.”. Đây cũng là lý do mà một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định cuộc đàm phán lần này sẽ có một sự thay đổi so với các cuộc đàm phán trước đây trong vòng 18 tháng qua. 

Đỗ Lê Ngọc Anh