Điểm báo quốc tế 20/03: Tổng thống Putin chưa sẵn sàng hội đàm cấp cao với Tổng thống Ukraine

Những nội dung quốc tế đáng chú ý đăng trên các báo ngày 20/03: Tổng thống Putin chưa sẵn sàng gặp Tổng thống Ukraine; Sống chung an toàn với COVID-19: Myanmar thông báo thời điểm đón du khách quốc tế; Hơn 40 triệu người trên thế giới sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực khi giá lương thực tăng;...

TỔNG THỐNG NGA CHƯA SẴN SÀNG HỘI ĐÀM CẤP CAO VỚI TỔNG THỐNG UKRAINE 

Theo New York Times, Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa sẵn sàng hội đàm cấp cao với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong bài viết có tiêu đề “Ông Putin vẫn chưa sẵn sàng nói chuyện với ông Zelensky” đăng tải trên New York Times, ông Ibrahim Kalin, cố vấn trưởng đồng thời là người phát ngôn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Zelensky đã sẵn sàng cho cuộc gặp, nhưng ông Putin cho rằng lập trường chung của hai bên chưa đủ thống nhất để tổ chức cuộc gặp ở cấp lãnh đạo. Cũng theo bài báo, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia hiếm hoi duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Ukraine và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò trung gian quan trọng giữa Nga và Ukraine, cố gắng tìm ra con đường hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn và các cuộc đàm phán nghiêm túc về một giải pháp hòa bình cho một cuộc xung đột đã kéo dài hơn ba tuần.

XUẤT EU CẤM TOÀN DIỆN GIAO THƯƠNG VỚI NGA

Cũng liên quan đến cuộc xung đột Nga Ukraine, theo The Economic Times, Ba Lan vừa đề xuất với Liên minh châu Âu về việc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn thương mại với Nga, đồng thời thúc giục các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Với tiêu đề “Ba Lan đề xuất EU cấm hoàn toàn thương mại với Nga” báo The Economic Times cho biết Thủ tướng Ba Lan Mateus Morawiecki (ma te ớt mo ra vi ec ki) cho rằng việc cắt đứt hoàn toàn hoạt động thương mại của Nga sẽ làm tăng áp lực lên Nga để cân nhắc xem liệu có nên dừng cuộc xung đột này hay không. The Economic Times trích dẫn lời ông Morawiecki: "Ba Lan đang đề xuất bổ sung lệnh phong tỏa thương mại vào gói trừng phạt này càng sớm càng tốt, bao gồm cả hai cảng biển của Nga ... nhưng cũng có cả lệnh cấm thương mại trên bộ. Cũng theo báo này, đầu tuần qua, các thành viên EU đã đạt được sự thống nhất về gói các biện pháp trừng phạt thứ 4 nhắm vào Nga. Chi tiết các lệnh trừng phạt chưa được công bố.

MYANMAR SẼ MỞ CỬA TRỞ LẠI CHO DU KHÁCH QUỐC TẾ VÀO THÁNG 4

Tờ The Straits Times đã đăng tải một thông tin đáng chú ý về việc mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa chống Covid 19 của Myanmar, đó là nước này sẽ mở cửa đón các chuyến bay chở du khách và nối lại các chuyến bay định kỳ từ ngày 17/4 tới. Theo The Straits Times, Quốc gia Đông Nam Á Myanmar đã đóng cửa biên giới với du khách vào tháng 3 năm 2020 khi bắt đầu đại dịch Covid 19 trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm. The Straits Times nhận định, ngoài dịch bệnh covid 19, bất ổn chính trị cũng khiến nền kinh tế của nước này - bao gồm cả ngành du lịch - rơi vào tình trạng rơi tự do. 
The Straits Times dẫn tuyên bố của Ủy ban Quốc gia về phòng, chống và điều trị COVID-19 của Myanmar cho biết quyết định mở cửa trở lại "nhằm cải thiện lĩnh vực kinh doanh du lịch và để tạo điều kiện thuận lợi cho những du khách đến thăm Myanmar". Theo Bộ Y tế Myanmar, du khách nước ngoài sẽ phải cách ly trong một tuần, thực hiện hai lần xét nghiệm PCR và phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ.

GIÁ LƯƠNG THỰC TĂNG ĐỘT BIẾN CÓ THỂ ĐẨY 40 TRIỆU NGƯỜI VÀO CẢNH NGHÈO ĐÓI CÙNG CỰC

Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGDEV) dự báo giá cả các mặt hàng lương thực và năng lượng tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể đẩy hơn 40 triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực. Thông tin được trích dẫn trên tờ Inquirer. Trong bối cảnh giá lương thực leo thang nhanh chóng, tờ Inquirer của Philippines giật tít “Giá lương thực tăng vọt do chiến sự tại Ukraine có thể đẩy 40 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực”. Tờ Inquirer trích dẫn phân tích của Trung tâm Phát triển toàn cầu cho biết kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, giá các loại lương thực đã bắt đầu tăng cao hơn cả mức ghi nhận vào thời kỳ tăng giá đột biến năm 2007 và 2010. Với tốc độ tăng giá hiện nay, các chuyên gia ước tính sẽ có ít nhất 40 triệu người trên thế giới rơi xuống "đáy" của xã hội trong năm nay. Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới, người có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày được xác định là diện nghèo cùng cực.
 

Hôm nay 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Quốc tế Hạnh phúc hằng năm là dịp là để cả thế giới cùng biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo, một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững, một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, sắc tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn niềm hạnh phúc. Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay là "Xây dựng lại hạnh phúc hơn", xoay quanh sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch Covid 19.

NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 2022: “XÂY DỰNG LẠI HẠNH PHÚC HƠN”

Tờ India Today cho biết Ngày Quốc tế Hạnh phúc là sự kiện thường niên do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm thúc đẩy hạnh phúc như một quyền toàn cầu của con người. Nó cũng nhấn mạnh hạnh phúc quan trọng như thế nào đối với con người.
Theo India Today, Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên được tổ chức vào ngày 20 tháng 3 năm 2013. Đây là kết quả của nhiều năm vận động của cố vấn Liên hợp quốc Jayme Illien, người đã đưa ra khái niệm này tại hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về Hạnh phúc vào ngày 12 tháng 7 năm 2012 và đã khơi dậy phong trào này. Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hạnh phúc đối với nhân loại, tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc được khuyến khích tham gia sự kiện này. 
Cũng trong bài viết nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh Phúc, tờ Evening Standard đã nhìn lại Lịch sử đầu tiên của các nghiên cứu về hạnh phúc, theo đó các nghiên cứu này đã bắt đầu cách đây hơn 2.500 năm. Các triết gia vĩ đại như Khổng Tử, Socrates, Aristotle và Đức Phật đã dành cả cuộc đời của mình để theo đuổi chủ đề này. Các triết gia và các nhà khoa học định nghĩa hạnh phúc, tâm lý học tích cực là “khoa học về kinh nghiệm chủ quan tích cực, các đặc điểm tích cực của cá nhân và các thể chế tích cực”. 
 

Vân Hương