Điểm báo: Nhiều bệnh viện ở Hà Nội xây xong đứng trước nguy cơ thiếu thiết bị y tế

Linh hoạt, cởi mở để đón vốn đầu tư; Nhiều bệnh viện ở Hà Nội xây xong đứng trước nguy cơ thiếu thiết bị y tế; Những "nút thắt" với dự án bất động sản; Phải thực hiện ngay từng bước vấn đề lương giáo viên; Để cây xanh mãi là dấu ấn của Hà Nội;...là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 19/3.

LINH HOẠT, CỞI MỞ ĐỂ ĐÓN VỐN ĐẦU TƯ 

Mở đầu chuyên mục điểm báo là bài viết trên báo Đại đoàn kết với tiêu đề: Linh hoạt, cởi mở để đón vốn đầu tư.

Theo bài viết, trong năm 2023 và thời gian tới muốn thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao thì cần tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó, các giải pháp cải cách bao gồm bảo đảm quyền tài sản, cải cách về điều kiện kinh doanh, sửa đổi các quy định đầu tư, đất đai, xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách. Trong đó, chú trọng cải cách thị trường tài chính để thu hút nhanh chóng và sử dụng có hiệu quả các vốn.

NHIỀU BỆNH VIỆN Ở HÀ NỘI XÂY XONG ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ THIẾU THIẾT BỊ Y TẾ 

Một số bệnh viện ở Hà Nội đang triển khai nâng cấp, xây dựng và mở rộng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.

Theo phản ánh trên báo điện tử VOV, Hà Nội hiện có 5 dự án bệnh viện nâng cấp, xây dựng và mở rộng gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín; Nhi Hà Nội giai đoạn I; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa huyện Ba Vì và Đa khoa Sơn Tây cũng đứng trước nguy cơ chậm đưa vào sử dụng. Nguyên nhân do chủ đầu tư lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Vướng mắc từ khâu lập danh mục cấu hình thiết bị y tế... thậm chí có những thiết bị không có trong danh mục niêm yết trên cổng thông tin của Bộ Y tế.

NHỮNG "NÚT THẮT" VỚI DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN 

Hững nút thắt với dự án bất động sản, bài viết phân tích đáng chú ý trên báo điện tử Dân trí.

Thực tế triển khai các dự án bất động sản thời gian gần đây cho thấy, nhiều thủ tục pháp lý dự án đang "tắc" từ các quy định mâu thuẫn, thiếu đồng bộ cho đến bất cập trong thực thi. Ngoài ra, nếu như "nút thắt" về pháp lý là câu chuyện không mới thì "nút thắt" thứ hai mà các chủ đầu tư gặp phải trong thời gian gần đây là tâm lý sợ sai của một số cơ quan thực thi pháp luật. Đây là rào cản vô hình có thể làm nản lòng bất cứ nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ. Chỉ khi cả hai nút thắt trên được tháo thì các dự án bất động sản mới triển khai thông suốt. Khi pháp lý dự án không hoàn thiện thì nguồn vốn dù có khơi thông như thế nào các chủ đầu tư cũng khó có cách tiếp cận.

PHẢI THỰC HIỆN NGAY TỪNG BƯỚC VẤN ĐỀ LƯƠNG GIÁO VIÊN 

Năm 2022, cả nước có trên 16 nghìn giáo viên bỏ việc, bình quân cứ khoảng 100 giáo viên thì có 1 người ra khỏi ngành. Trên báo Giáo dục và thời đại có bài viết: Phải thực hiện ngay từng bước vấn đề lương giáo viên.

Bài viết trích dẫn của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, gốc rễ vấn đề giáo viên bỏ nghề, bỏ việc vẫn là chính sách tiền lương của giáo viên. Phụ cấp đứng lớp hay tăng lương cơ bản cũng chỉ là các quyết định mang ý nghĩa tình thế, giải quyết khó khăn tức thời, chưa phải là căn cơ lâu dài, ổn định. Giáo viên sống được bằng lương, bằng nghề dạy học là mục tiêu phấn đấu lâu dài, nhưng phải thực hiện ngay từng bước. Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục cấp Bộ và địa phương phải ngồi lại để rà soát công tác quản lý giáo viên theo hướng quản trị nhà trường. Hãy luôn suy nghĩ để cắt giảm hơn những cuộc thi hình thức, sổ sách hành chính, nhiệm vụ kiêm nhiệm không thật cần thiết.

ĐỂ CÂY XANH MÃI LÀ DẤU ẤN CỦA HÀ NỘI 

Với những nỗ lực không mệt mỏi, Hà Nội đã phát triển nhanh mạng lưới cây xanh ở mọi chốn, mọi nơi, từ nội thành tới các vùng ngoại ô, các đường vành đai. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor đã công bố 25 điểm đến được yêu thích nhất châu Á 2022, trong đó, TP Hà Nội đứng thứ 13, được giới thiệu là một thủ đô thân thiện, hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa lâu đời. Cùng với đó, theo báo cáo của UNESCO, Hà Nội hiện là một trong những thành phố có nhiều cây xanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia câu chuyện cây xanh đô thị ở Hà Nội vẫn còn không ít tồn tại. Việc cây xanh được trồng như thế nào, trồng ở đâu cần tính toán, nghiên cứu tỉ mỉ.