Điểm báo ngày 19/8: Đau đầu vì lao động xuất khẩu bỏ trốn

Cơ cấu lại sản xuất là yếu tố sống còn của doanh nghiệp; Đau đầu vì lao động xuất khẩu bỏ trốn; Chính sách tài khoá là chủ đạo trong kiềm chế lạm phát; Xuất khẩu thuỷ sản ứng phó với biến động ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo ngày 19/8/2022.

CƠ CẤU LẠI SẢN XUẤT LÀ YẾU TỐ SỐNG CÒN CỦA DOANH NGHIỆP

Chuyển đổi tinh gọn quyết định sự tồn tại trong tương lai của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài tự thân của chính mình trong thực tế, sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách cũng là điểm mấu chốt để DN tăng sự cạnh tranh, giảm chi phí, phát triển bền vững. Thông tin được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng 19/8. 

Theo Bộ Công Thương, tính riêng trong tháng 6 và 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng giảm, chủ yếu do sự sụt giảm của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như xơ, sợi dệt các loại; gỗ và các sản phẩm gỗ; giày dép các loại; dây điện và cáp điện... cũng giảm. Theo các chuyên gia, để giúp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam nắm bắt được những cơ hội phát triển bền vững hơn, doanh nghiệp cần định hướng về tự động hóa công nghiệp cho các nhà máy, đáp ứng nhiều quy mô sản xuất khác nhau với quy trình sản xuất tinh gọn và hiệu quả thiết thực.

ĐAU ĐẦU VÌ LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU BỎ TRỐN

Theo thông tin đăng tải sáng 19/8 trên báo Nông thôn Ngày nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc tại một số địa phương.

Cụ thể, 8 địa phương của 4 tỉnh bao gồm: Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hoá là các địa phương này có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Tình trạng này đã khiến các địa phương đau đầu tìm cách xử lý. Trước sức ép của Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt giải pháp ngăn tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp. Bộ LĐTBXH đã đề xuất ký quỹ chống trốn lao động, đồng thời đề xuất phương án dừng tiếp nhận lao động ở các địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao hơn 27% tại thị trường Hàn Quốc.

CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ LÀ CHỦ ĐẠO TRONG KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

Trên trang nhất Thời báo Tài chính Việt Nam thông tin, với tính chất lạm phát hiện tại của Việt Nam, chính sách tài khóa đã và sẽ là yếu tố chủ đạo trong việc kiểm soát lạm phát trên cơ sở phối hợp hỗ trợ từ chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn so với trước đây rất nhiều và theo đó, đã phát huy hiệu quả.

Một trong những chính sách đang được thực hiện thể hiện rõ vai trò kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là giải pháp thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ lãi suất cũng không còn nằm trên lý thuyết mà đang được triển khai thực tế và kéo dài từ nay đến hết năm sau, điều này sẽ góp phần giảm áp lực chi phí tài chính cho nhiều doanh nghiệp khác nhau. Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới mới đây cũng nhận định, lạm phát năm 2022 của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

XUẤT KHẨU THUỶ SẢN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỘNG

Năm 2022, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ có kết quả khả quan tại các thị trường lớn. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra không ít khó khăn buộc doanh nghiệp thủy sản phải vượt qua tình trạng sức mua giảm do lạm phát tăng cao ở các nước, biến động tỷ giá, nguyên liệu đầu vào cao, chi phí vận chuyển nhiều....

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, mặc dù dự báo xuất khẩu thủy sản vẫn khá lạc quan, nhưng nhìn lại 7 tháng đầu năm và bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang chịu tác động, hệ lụy của dịch Covid -19, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy trong giai đoạn trước đến nay chưa khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, lạm phát tăng cao đã làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Theo các chuyên gia, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Trước hết đó là vấn đề chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Thứ hai, chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng, nên hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao.