Điểm báo ngày 16/03: Hàng không kỳ vọng bứt phá khi “mở toang cánh cửa” đón khách quốc tế

Hàng không kỳ vọng bứt phá khi “mở toang cánh cửa” đón khách quốc tế; Cơ hội vàng cho du lịch, hàng không bứt phá; Làm gì để phát huy vai trò quản lý nhà nước trong điều hành giá xăng dầu?; Kỳ vọng từ gói hỗ trợ lãi suất; “Hậu covid” có thực sự đáng sợ? ... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ra sáng ngày 16/03/2022.

Hàng không kỳ vọng bứt phá khi “mở toang cánh cửa” đón khách quốc tế

Việt Nam đã chính thức khôi phục lại hoạt động đón khách quốc tế nhập cảnh như giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi/đến Việt Nam.

Báo Giao thông có bài viết: Hàng không kỳ vọng bứt phá khi “mở toang cánh cửa” đón khách quốc tế. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng. Trong kịch bản trung bình, năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam dự kiến đón 42-43 triệu hành khách, con số này mới chỉ được hơn 50% so với 2019 nhưng vẫn là khá ấn tượng khi so với 2 năm dịch vừa qua.

Cơ hội vàng cho du lịch, hàng không bứt phá

Cũng vấn đề này, báo Nhân dân gọi đây là “cơ hội vàng”. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định, thời gian đầu lượng khách chưa thể tăng nhanh do có "độ trễ" nhất định, song trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đã mở cửa, đây sẽ là điểm mấu chốt và là cơ hội vàng cho ngành du lịch, hàng không sớm phục hồi. Tổng cục Du lịch khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành từ nay đến hết quý II cần đẩy mạnh kết nối với đối tác nước ngoài để quảng bá, giới thiệu tua, chuẩn bị đón khách quốc tế châu Âu, Mỹ, Canada… vào thời điểm cuối năm.

Làm gì để phát huy vai trò quản lý nhà nước trong điều hành giá xăng dầu?

Giá xăng dầu liên tục tăng trên thế giới và trong nước thời gian qua đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Làm gì để phát huy vai trò quản lý Nhà nước, hạn chế được những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thị trường là câu hỏi cần có nhiều giải pháp thiết thực đặt ra hiện nay. Đây cũng là nội dung chính của bài viết: “Làm gì để phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu?” được đăng trên báo Đại biểu nhân dân mới đây.

Theo báo Đại biểu nhân dân, thời gian qua, Hai Bộ Công thương và Tài chính đã sử dụng rất tốt Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành. Nhưng trong bối cảnh giá xăng, dầu đang tăng cao, Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng có hạn thì nên chăng xem xét thêm các giải pháp, công cụ khác để phối hợp điều hành. Hiện, 40% trong giá xăng dầu là thuế phí. Đồng thời, tác giả bài viết trích dẫn một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng, trong việc điều hành giá cần linh hoạt để khi giá xăng dầu giảm thấp thì tăng thêm phần trích vào Quỹ bình ổn giá và khi giá xăng tăng cao thì phải sử dụng Quỹ bình ổn đó để bù cho giá xăng.

Kỳ vọng từ gói hỗ trợ lãi suất

Hôm nay, vấn đề điều hành xăng dầu cũng là nội dung sẽ được chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi sẽ liên tục cập nhật để gửi tới quí vị trong các bản tin tiếp theo. Chuyển sang một bài viết khác. Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng là một trong những cấu phần quan trọng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp, mong mỏi sớm được triển khai để khôi phục sản xuất. Nhiều tờ báo lớn đã có những phân tích, những góc nhìn về vấn đề này. 

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, Xác định đúng đối tượng được hưởng cấp bù lãi suất theo nguyên tắc về ba mặt. Một mặt cần “trông giỏ bỏ thóc”, trông vào khả năng trả nợ khi sử dụng vốn vay. Mặt khác cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Mặt khác nữa là rà soát kỹ đối tượng, tránh những đối tượng có vấn đề về “sở hữu chéo”, “sân sau”, “nhóm lợi ích”. Và các hành vi sai trái có thể xảy ra là trục lợi chính sách, “lái” đồng vốn vào các kênh đầu tư đầu cơ, rủi ro, sử dụng không đúng mục đích cần được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

“Hậu covid” có thực sự đáng sợ?

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thì Bộ Y tế đã có những bước chuẩn bị cho sự xuất hiện của di chứng “hậu Covid” từ trước. Theo đó, chiến lược của Bộ Y tế là các bệnh viện hoạt động bình thường, bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh nền thuộc chuyên khoa nào thì khám ở chuyên khoa đó. Báo Đại đoàn kết cho rằng, Việc một vài bệnh viện thành lập phòng khám, chuyên khoa để thăm khám người bệnh “hậu Covid” là tốt, nhưng không cấp bách. Việc thành lập bệnh viện chuyên điều trị hậu Covid-19 cũng là không thực tế

Truyền hình Quốc hội Việt Nam