Điểm báo: "Muôn hình vạn trạng" đòi nợ kiểu xã hội đen, quỵt nợ kiểu giang hồ

Nhà siêu mỏng, siêu méo: Chế tài có, vẫn khó xử lý dứt điểm; Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ hoạt động quảng cáo ngoài trời; Tiếp tục kiềm chế lạm phát; "Muôn hình vạn trạng" đòi nợ kiểu xã hội đen, quỵt nợ kiểu giang hồ ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 30/3/2023.

NHÀ SIÊU MỎNG, SIÊU MÉO: CHẾ TÀI CÓ, VẪN KHÓ XỬ LÝ DỨT ĐIỂM

Ngoài những trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại từ nhiều năm trước chưa được xử lý dứt điểm, thì nay trên địa bàn Hà Nội lại mọc lên không ít các ngôi nhà mỏng và méo hơn ở các tuyến đường mới mở. Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Nhiều gia đình để “che mắt” chính quyền địa phương đã lén lút xây dựng vào những thời điểm như trời tối, thi công vội vàng, cẩu thả... gây nguy hiểm đối với không chỉ những người trực tiếp tham gia xây dựng mà còn những người sống xung quanh. Theo một số luật sư và chuyên gia bất động sản, Sở dĩ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các TP lớn là bởi rất khó để hợp thửa, hợp khối các diện tích đất quá nhỏ còn lại sau giải phóng mặt bằng. Không ít gia đình muốn giữ lại phần đất nhỏ sau khi bị cắt xén để kinh doanh, nhất là khi mảnh đất đó được ra mặt đường. Cũng có nhiều trường hợp không muốn hợp thửa, hợp khối vì không đủ điều kiện tài chính để mua lại mảnh đất còn lại của hộ liền kề do giá đất lúc đó đã tăng cao.

HÀ NỘI SẼ RÀ SOÁT TOÀN BỘ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động quảng cáo. Về hoạt động quảng cáo trên màn hình Led có gần 50 màn hình; có 3190 giá treo banner quảng cáo. Tình trạng quảng cáo ngoài trời lộn xộn, vi phạm quy chế, ảnh hưởng mỹ quan đô thị tại Hà Nội.

Mỗi năm, có hàng nghìn băng rôn, tờ rơi, biển quảng cáo không phép hoặc sai phép ở ngoài trời bị các cơ quan chức năng tháo dỡ, xóa bỏ. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương đã ra quân quyết liệt xóa bỏ “rác” quảng cáo. Tuy nhiên, “Rác” quảng cáo ngoài trời vẫn tiếp tục tồn tại, khiến đường phố Hà Nội nhếch nhác, mất mỹ quan. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả hơn trong xử lý vi phạm. Sau 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn còn những hạn chế, vi phạm. Thời gian tới, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao sẽ chỉ đạo kiểm tra; rà soát toàn bộ hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố; báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/4/2023; thông tin trả lời báo chí theo quy định.

TIẾP TỤC KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

Theo các chuyên gia, mặc dù áp lực lạm phát được đánh giá là lớn, giá cả tăng cao tác động đến đời sống của người dân, tuy nhiên, so với tình hình chung của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát.

Về tổng thể, áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn. Lý do là bởi, NHNN đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022. Áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Theo các chuyên gia, Hiện tại vẫn phải duy trì việc tăng lãi suất để tiếp tục kiềm chế lạm phát. Trong đó, cần lưu ý đến 3 giải pháp quan trọng là quản lý đầu vào giá cả để không bị tác động lớn; cân đối dòng tiền, hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội; truyền thông hợp lý, nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng... Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

"MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG" ĐÒI NỢ KIỂU XÃ HỘI ĐEN, QUỴT NỢ KIỂU GIANG HỒ

Thời gian gần đây, vấn nạn đòi nợ kiểu “xã hội đen” xuất hiện ngày càng phổ biến và nhiều vụ việc đã được cơ quan công an khởi tố điều tra. Tuy nhiên, ở một chiều hướng ngược lại, tình trạng vay nợ sau đó chây ỳ không trả, thậm chí lập ra cả những hội nhóm để "chống nợ" cũng xuất hiện, đặc biệt phổ biến với hình thức vay tiêu dùng đang khiến cho các công ty tài chính mệt mỏi, có trường hợp không dám cho vay nữa vì sợ rủi ro.

Những hình thức đòi nợ kiểu khủng bố con nợ, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự như trên không phải là hiếm và có xu hướng xuất hiện nhiều lên trong thời gian qua, thậm chí đối tượng vi phạm còn có cả ở lứa tuổi vị thành niên. Nhiều tổ chức tội phạm hoạt động “núp bóng” công ty tư vấn luật, nhưng các đối tượng đều không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân công ty. Các chuyên gia cho biết, Việc các đơn vị cầm đồ hoạt động “núp bóng” công ty tài chính cũng khiến dư luận nhầm lẫn, đánh đồng với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp. Điều này đã ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng, và cũng nảy sinh một số nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ. Do vậy người dân cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ để tránh những trường hợp không mong muốn xảy ra.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam