Điểm báo: Không xảy ra thiếu hàng, sốt giá trong những ngày Tết

Không xảy ra thiếu hàng, sốt giá trong những ngày Tết; Du lịch tết bội thu; Giá vàng cắm đầu giảm sau thời gian nghỉ Tết; Điểm tựa cho khát vọng “Rồng xanh” … là những tin có trong điểm báo sáng 16/2.

KHÔNG XẢY RA THIẾU HÀNG, SỐT GIÁ TRONG NHỮNG NGÀY TẾT

Theo báo Đại biểu Nhân dân, trước và trong Tết, giá cả hàng hóa tại các địa phương có tăng giảm đan xen, nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, thị trường cơ bản bình ổn.

Thị trường mùng 4, mùng 5 Tết bắt đầu hoạt động lại, người dân đã đi mua sắm hàng hóa. Các hộ kinh doanh cũng mở cửa bán hàng. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 25-45% so ngày thường; giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm bắt đầu gần như ngày thường. Báo Đại biểu Nhân dân trích dẫn ý kiến Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết là Quý I trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên Giáp Thìn, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật.    

DU LỊCH TẾT BỘI THU

 Dữ liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngành du lịch cả nước đón và phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.  “Du lịch Tết bội thu” là bài viết trên báo Tiền phong.

Theo đó, có nhiều tỉnh thành vừa 'hái ra tiền' dịp Tết. Đơn cử như TPHCM thu hơn 6.500 tỷ đồng, Đà Nẵng thu gần 1.600 tỷ…  Dịp nghỉ Tết cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều địa phương. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong kỳ nghỉ lễ tăng mạnh cũng  khiến Hà Nội thu hơn 2.000 tỷ đồng.  Số lượng khách quốc tế tăng so với dịp Tết Dương lịch nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và địa phương.      

GIÁ VÀNG CẮM ĐẦU GIẢM SAU THỜI GIAN NGHỈ TẾT

 Cũng liên quan câu chuyện ngày Tết. Dịp ngay sau Tết thì rất nhiều lễ hội diễn ra trên khắp cả nước, trong đó, có những hoạt động tín ngưỡng quan trọng, từ đó khiến cho nhu cầu sử dụng những loại hàng hóa tăng theo. Báo Dân trí có bài viết “ Giá vàng cắm đầu giảm sau thời gian nghỉ Tết”.

Giá vàng miếng SJC mở cửa phiên giao dịch đầu năm Giáp Thìn giảm 1,2 triệu đồng/lượng so với phiên giao dịch cuối cùng trước nghỉ Tết. Theo Dân trí, giá vàng thế giới cũng đang chứng kiến pha lao dốc mạnh. Diễn biến giá vàng thế giới không mấy tích cực. Song vẫn được cho là khó kìm được đà tăng của giá vàng trong nước thời gian tới. Hiện giá vàng miếng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới gần 19 triệu đồng/lượng. Lịch sử các năm trước, ngay khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng thường bước vào đợt tăng giá, do nhu cầu mua sắm của người dân sau Tết và từ ngày Vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng).    

ĐIỂM TỰA CHO KHÁT VỌNG “RỒNG XANH”

Ngay từ tháng đầu tiên năm 2024 đã có điểm sáng trong bức tranh của nền kinh tế Việt Nam đó là thu hút đầu tư nước ngoài. Báo Nông thôn ngày nay số ra sáng 16/2 có bài viết “Điểm tựa cho khát vọng “rồng xanh”.

Cụ thể, đầu năm chúng ta đã đón nhận tin vui khi tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Nông thôn ngày nay,  Từ kết quả thực tiễn càng thêm khẳng định điều mà Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024, đó là dù thế giới có chao đảo thì Việt Nam vẫn kiên trì những chính sách đã đề ra, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro.    

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam