Điểm báo: Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp thủy sản cầm cự cách nào?

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp thủy sản cầm cự cách nào?; Chế độ đãi ngộ tốt, giáo viên sẽ có nhiều động lực phấn đấu; Cận ngày 'chốt sổ' thuê bao: Liệu tình trạng sim 'rác' có thể chấm dứt?; Băn khoăn chọn ngành mới mùa tuyển sinh đại học 2023 ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 29/3/2022.

KHÓ KHĂN BỦA VÂY, DOANH NGHIỆP THỦY SẢN CẦM CỰ CÁCH NÀO?

Mở đầu chuyên mục điểm báo là bài viết: Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp thủy sản cầm cự cách nào? Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng trong khi cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm. Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để vượt khó khăn, rào cản, quan trọng là DN thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động hơn trong tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là thuế xuất nhập khẩu.

CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ TỐT, GIÁO VIÊN SẼ CÓ NHIỀU ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU

Xoay quanh vấn đề tuổi nghỉ hưu của giáo viên, có ý kiến cho rằng, nếu lương cao sẽ giữ chân được giáo viên. Đây là động lực để thầy cô phấn đấu, gắn bó với nghề.

Theo bài viết trên báo Lao động, nhiều thầy cô đều bày tỏ nguyện vọng được nghỉ hưu ở độ tuổi 55 đối với nữ và 60 so với nam theo như quy định cũ trước đây. Chưa kể, nhà giáo hiện nay phải đối mặt với quá nhiều áp lực. Cũng theo chia sẻ của một số giáo viên, giá cả ngày càng leo thang, chi phí sinh hoạt đội lên trong khi giáo viên lương thấp, không đảm bảo chi tiêu hằng ngày khiến nhiều người đã phải bỏ việc. Nếu giáo viên được đãi ngộ cao hơn thì sẽ khích lệ các thầy cô giáo rất nhiều. Không phải lo cơm áo gạo tiền, giáo viên sẽ có thời gian, tâm trí đầu tư vào công việc, nâng cao chất lượng chuyên môn.

CẬN NGÀY 'CHỐT SỔ' THUÊ BAO: LIỆU TÌNH TRẠNG SIM 'RÁC' CÓ THỂ CHẤM DỨT?

Tình trạng sim rác, sim không chính chủ hiện tại vẫn ngang nhiên được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng lớn. Có ý kiến cho rằng, các nhà mạng không quyết liệt bởi nguồn thu từ cuộc gọi rác, tin nhắn rác rất lớn trong thời đại internet đang phát triển mạnh.

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, trong tháng 3/2023, các cơ quan chức năng đã mạnh tay vào cuộc xử lý vấn nạn sim rác, sim không đăng ký chính chủ để tránh những cuộc gọi lừa đảo... Tuy nhiên, thực tế chỉ cần có nhu cầu, người dân có thể dễ dàng mua các sim rác (sim kích hoạt sẵn) ở bất cứ đâu, từ các cửa hàng điện thoại, sửa chữa điện thoại đến quầy tạp hóa. Việc có loại bỏ được tình trạng sim rác vẫn còn đang tràn lan trên thị trường hay không đều phải dựa vào công cuộc chuẩn hoá thuê bao sắp kết thúc vào cuối tháng 3/2023 này. Nếu như sau đó tình trạng sim rác vẫn liên tục xuất hiện và nhiều người vẫn nhận được những số điện thoại lạ gọi đến tiếp tục diễn ra thì khi đó mới có thể bàn đến việc "tuyên chiến" với sim rác có thành công hay không.

BĂN KHOĂN CHỌN NGÀNH MỚI MÙA TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2023

Tuyển sinh năm 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động. Trên báo Giáo dục và thời đại có bài viết: Băn khoăn chọn ngành mới mùa tuyển sinh đại học 2023.

Theo bài viết, những ngành nghề có tiềm năng phát triển hiện nay gồm các nhóm: Công nghệ thông tin liên quan đến AI, trí tuệ nhân tạo; tự động hóa; ngành kinh tế, kinh doanh như: Kinh doanh quốc tế, logistics, phân tích dữ liệu; ngành khoa học sức khỏe... Những ngành này khi ứng dụng công nghệ sẽ có sự phát triển lớn. Tuy nhiên, để chọn được ngành học phù hợp, thí sinh phải xem mình yêu thích gì, năng lực đáp ứng được không? Ngoài ra, trước khi đưa ra quyết định, phụ huynh, học sinh cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo; không nên chỉ dựa vào tên của ngành để lựa chọn; cần cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề.