Điểm báo: Hà Nội sẵn sàng đón trẻ mầm non trở lại trường từ 13/4

Sẵn sàng đón trẻ mầm non trở lại trường; Lạm phát 4% liệu có "trong tầm tay"; Điều hành linh hoạt để ứng phó thách thức; 4 bến xe lớn Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ dần được thay thế; Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 12/4.

SẴN SÀNG ĐÓN TRẺ MẦM NON TRỞ LẠI TRƯỜNG

Từ ngày 13/4, học sinh mầm non trên địa bàn Hà Nội sẽ chính thức được đến trường. Theo chia sẻ của đại diện một số trường mầm non, trong những ngày qua, kể cả ngày nghỉ lễ, các nhà trường đã huy động giáo viên và một số phụ huynh tới để tiến hành lau dọn, vệ sinh lớp học cũng như các dụng cụ học tập để giúp trẻ có môi trường sạch đẹp và phấn khởi trong ngày trở lại trường.  Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ mầm non đi học trực tiếp cho thấy, khoảng 80% phụ huynh đồng ý cho con đến trường. Đây là con số rất đáng mừng, thể hiện tinh thần đồng thuận cao và cũng là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh về việc con em mình được đến trường vui chơi, học tập.

LẠM PHÁT 4% LIỆU CÓ “TRONG TẦM TAY”?

Đến nay mới qua quý đầu của năm, những luận bàn về mức lạm phát dường như còn quá sớm. Tuy nhiên, với đà tăng giá sốc của mặt hàng xăng dầu là đầu vào của nền kinh tế, hình thành một mặt bằng giá mới, những lo ngại là có cơ sở. Liệu mức lạm phát mục tiêu dưới 4% có “trong tầm tay”? Bài viết trên Thời báo tài chính Việt Nam. 

Theo phân tích của một số chuyên gia, nhìn lại mặt bằng giá trong quý I vừa qua, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy, vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công. Với diễn biến CPI, các bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

 

ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT ĐỂ ỨNG PHÓ THÁCH THỨC
 
Trên báo Đại biểu nhân dân cũng có bài viết phân tích về nội dung này, nhưng theo bài viết, cần nhắc lại, khi đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát 4%, chúng ta không lường hết việc Trung Quốc vẫn siết chặt công tác chống dịch, khiến nguồn cung bị gián đoạn đẩy giá cả tăng lên. Lúc đó cũng chưa xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Như vậy, nhà quản lý nên thể hiện tính linh hoạt với thị trường trong thời điểm hiện tại. Cần điều chỉnh mục tiêu lạm phát cho phù hợp để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát. Điều chỉnh sớm sẽ giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân, thể hiện sự linh hoạt, chủ động với thị trường.

 

4 BẾN XE LỚN GIA LÂM, MỸ ĐÌNH, GIÁP BÁT, NƯỚC NGẦM SẼ DẦN ĐƯỢC THAY THẾ

 

4 bến xe lớn tại Hà Nội là Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ dần được thay thế, thông tin mới đây được đăng trên báo Lao động. Theo Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt, đối với các bến xe khách liên tỉnh hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có. Về lâu dài sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận. Quỹ đất các bến xe khách hiện có này sẽ được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị.

 

GIÁ GẠO XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM TIẾP TỤC DUY TRÌ VỊ TRÍ DẪN ĐẦU

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu. Trên báo điện tử VOV có bài viết về nội dung này, theo đó, xuất khẩu gạo quý 1 năm 2022 của nước ta đạt 1,48 triệu tấn, có trị giá 715 triệu USD, tăng 24% về lượng và 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu gạo. Theo đó, gạo 5% tấm đã tăng từ 12 - 15 USD/tấn so với đầu năm, lên mức 415 USD/tấn, cao nhất trong hơn 3 tháng qua nhờ nhu cầu tăng và lợi thế về sản lượng. Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt.