Điểm báo: Cẩn trọng khi đăng ký “Khóa tu mùa hè”

Cẩn trọng khi đăng ký “Khóa tu mùa hè”; Đừng để cho vay nặng lãi được hợp pháp hóa; Sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu phải sát thực tiễn; Thiếu hành lang pháp lý cho bảo tàng tư nhân … Là những tin có trong điểm báo sáng nay 21/3.

CẨN TRỌNG KHI ĐĂNG KÝ “KHÓA TU MÙA HÈ”

Còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học, đây cũng là khoảng thời gian các bậc cha mẹ đi tìm khóa học hè cho con em. Và khóa tu mùa hè là loại hình hoạt động đang thu hút nhiều phụ huynh cho con đăng ký tham gia. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra từ các khóa tu này. Bài viết trên báo Nông thôn ngày nay.

Thông tin từ Công an TP.Hà Nội cho biết, một nạn nhân đã sập bẫy khóa tu mùa hè và bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng. Theo báo Nông thôn ngày nay, Đối tượng đưa nạn nhân vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu. Khi mua vật phẩm, sau 3 - 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền cho phụ huynh. Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền, nạn nhân được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn. Chỉ trong vòng 2 ngày, nạn nhân đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng. Trước chiêu trò lừa đảo này, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu thông tin về các khóa học trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.

ĐỪNG ĐỂ CHO VAY NẶNG LÃI ĐƯỢC HỢP PHÁP HÓA

Chuyện một người nợ ngân hàng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm bị đòi tới 8,8 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận. Liên quan vấn đề này, báo Tuổi trẻ có bài viết “Đừng để cho vay nặng lãi được hợp pháp hóa”.

Ở góc độ pháp lý, thanh toán bằng thẻ tín dụng là thực hiện hợp đồng vay tài sản. Theo Báo Tuổi trẻ, các tính toán cho ra kết quả tồn nợ như trên chỉ có thể dựa vào thỏa thuận giữa các bên hoặc quy định của pháp luật hoặc cả hai. Bộ luật Dân sự ấn định mức trần lãi suất là 20% trên một năm đối với khoản tiền vay. Bộ luật cũng quy định rằng chỉ có thể phá trần lãi suất bằng một luật khác chứ không thể bằng một văn bản lập quy của cơ quan hành pháp, quản lý. Không ít ý kiến cho rằng lãi suất cho vay của ngân hàng không chịu sự chi phối của luật chung. Với ý kiến này, lãi suất vay tiêu dùng của ngân hàng đang bị thả nổi. Và kiểu tính lãi khiến số tiền vay gốc chỉ có vài triệu đồng tăng lên thành vài tỉ. Kiểu tính như vậy mang đầy đủ tính chất của một điều khoản không công bằng.

SỬA NGHỊ ĐỊNH KINH DOANH XĂNG DẦU PHẢI SÁT THỰC TIỄN

Liên quan đến việc xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Nhiều ý kiến cho rằng đây là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường xăng, dầu trong nước còn tồn tại nhiều bất cập, kéo theo những hệ lụy trong suốt thời gian dài. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

Theo Báo Kinh tế và Đô thị, Sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu đầu tiên là quy định cơ quan quản lý phải thống nhất một đầu mối là Bộ Công Thương. Nghị định mới cần bổ sung những quy định về các điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng theo các tiêu chí về vốn sở hữu, kinh nghiệm kinh doanh, cơ sở hạ tầng, hệ thống cung ứng. Đặc biệt là bãi bỏ toàn bộ các quy định hiện hành 17 năm nay không thay đổi về cấp phép thuê kho, bể chứa, hệ thống phân phối cửa hàng bán lẻ. Thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa lường hết được những biến động của thị trường. Do vậy, khi soạn thảo nghị định mới cần khắc phục những bất cập của nghị định cũ.

THIẾU HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO BẢO TÀNG TƯ NHÂN

Cùng với bảo tàng công lập, bảo tàng tư nhân góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Song đến nay, theo báo Đại đoàn kết, vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho bảo tàng tư nhân phát triển.

Báo Đại đoàn kết đề cập, hiện nay số lượng bảo tàng tư nhân đã phát triển nhanhchóng, góp phần khắc phục tình trạng thất thoát cổ vật và tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Cần có những chính sách ưu đãi thuế đối với bảo tàng tư nhân vì nguồn thu của bảo tàng không đủ để vận hành. Quá trình chuyên nghiệp hóa bảo tàng tư nhân đòi hỏi nhiều hơn nữa nguồn lực, từ cơ chế chính sách, giải pháp chuyên môn, sự đồng hành của các quỹ bảo trợ. Bên cạnh những cơ chế hỗ trợ đặc thù thì nhu cầu cấp thiết của các bảo tàng hiện nay là được đào tạo và ứng dụng các công nghệ. Đồng thời, các bảo tàng cũng đang rất cần được địa phương quan tâm hỗ trợ quảng bá, kết nối với du khách.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam