Điểm báo 23/3: Triển khai học bạ số - Đồng bộ mới hiệu quả

Triển khai học bạ số - Đồng bộ mới hiệu quả; Nhà đầu tư BOT lâm cảnh nợ nần, lo “lỗ chồng lỗ”; Những tác động tới thị trường tài chính trong nước sau cuộc họp của FED; Thu hút lao động nước ngoài: Gỡ vướng rào cản chính sách;.... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 23/3.

TRIỂN KHAI HỌC BẠ SỐ:  ĐỒNG BỘ MỚI HIỆU QUẢ 

Chuyển đổi từ học bạ giấy sang học bạ số là việc nhiều trường trung học cố gắng triển khai nhằm tận dụng thế mạnh của ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cần thêm nhiều điều kiện đi kèm. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.

Học bạ điện tử làm tăng tính công khai minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh. Còn phụ huynh thuận tiện tra cứu kết quả học tập của con em, qua đó làm tốt hơn công tác phối hợp trong giáo dục học sinh. Tuy nhiên theo Báo Giáo dục và thời đại, việc số hóa học bạ trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như chưa tự động đồng bộ dữ liệu, không thể cập nhật thông tin học sinh trực tiếp trên học bạ. Khi cần đồng bộ dữ liệu của một học sinh thì phải đồng bộ cả lớp làm ảnh hưởng dữ liệu của những học sinh khác. Cần thêm nhiều điều kiện, đặc biệt là sự chỉ đạo cũng như nền tảng thống nhất để khắc phục một số hạn chế, phát huy tối ưu lợi thế của học bạ số.

NHÀ ĐẦU TƯ BOT LÂM CẢNH NỢ NẦN, LO “LỖ CHỒNG LỖ” 

Bộ GTVT vừa có tờ trình Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại 8 dự án BOT bằng phương án chi hơn 10.600 tỷ đồng để mua lại. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc mua lại các dự án này sẽ tạo tiền lệ xấu cho nhà đầu tư. Bài viết trên báo điện tử VOV.

Theo Vov, Loạt dự án BOT không thể triển khai thu phí theo hợp đồng ký kết đang khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh nợ nần, phải đi vay lãi để duy trì hoạt động hoặc không thể vay vốn ngân hàng do rơi vào nhóm nợ xấu. Đáng lo hơn, doanh nghiệp dự án hiện còn bị xếp vào nhóm nợ xấu (nợ nhóm 5). Khi bị rơi vào nhóm nợ này, doanh nghiệp dự án "chết đứng" không thể vay vốn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư và tổ chức tín dụng cho vay cũng rơi vào chuỗi ảnh hưởng khi đồng thời phải trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu của dự án, hoạt động kinh doanh bị tác động không nhỏ.

NHỮNG TÁC ĐỘNG TỚI THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC SAU CUỘC HỌP CỦA FED

Sau khi FED kết thúc cuộc họp tháng 3, nhiều diễn biến kinh tế tài chính thế giới đã có sự thay đổi và điều này đang có những yếu tố tác động khác nhau đối với thị trường tài chính trong nước. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, sau cuộc họp tháng 3 của FED vừa diễn ra, không những thị trường chứng khoán có sự hưng phấn mà thị trường vàng cũng gia tăng sức nóng. Quyết định của FED cũng sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới mặt bằng lãi suất tại Việt Nam. Trước đó, việc FED duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài đã tạo ra mức chênh lệch lãi suất giữa hai thị trường, từ đó đặt ra những áp lực nhất định trong việc quản lý biến động tỉ giá. Nhiều ý kiến cũng lưu ý tác động của quyết định trên với lãi suất còn phụ thuộc vào các biến động kinh tế khác nhau, gồm cả tình hình lạm phát và tăng trưởng của Việt Nam.

THU HÚT LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI: GỠ VƯỚNG RÀO CẢN CHÍNH SÁCH

Cùng với lực lượng lao động là người Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã góp phần đáp ứng nguồn nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm quản lý điều hành. Tuy nhiên, việc thu hút lao động nước ngoài còn đang gặp nhiều rào cản. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục về tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài. Không ít doanh nghiệp phản ánh, quy trình về tuyển dụng người lao động nước ngoài hiện còn mang tính hình thức, rườm rà, phức tạp gây khó khăn và lãng phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan thực thi. Theo Đại đoàn kết, mặc dù về mặt thủ tục đã thông thoáng hơn, song quy trình về tuyển dụng người lao động nước ngoài hiện vẫn còn mang tính hình thức, rườm rà, phức tạp gây khó khăn và lãng phí cho cả DN và cơ quan thực thi.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam