Điểm báo 22/6: Khó khả thi việc hạn chế, cấm xe máy vào nội đô Hà Nội từ 2030

Khó khả thi việc hạn chế, cấm xe máy vào nội đô Hà Nội từ 2030; Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội: Nóng khối trường công; Cảnh giác với chiêu lừa "giả danh chuyên gia đòi hộ tiền bị lừa đảo"; TPHCM cần hơn 100.000 tỷ đồng cho 120 dự án giảm ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 – 2025 ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 22/6/2023.

KHÓ KHẢ THI VIỆC HẠN CHẾ, CẤM XE MÁY VÀO NỘI ĐÔ HÀ NỘI TỪ 2030

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của phát triển kinh tế đô thị Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030 là hạn chế xe máy đi vào nội đô. Trong bối cảnh giao thông ở Thủ đô vẫn ùn tắc hằng ngày, nhiều chuyên gia cho rằng phương án trên khó khả thi.

Việc hạn chế, cấm xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận nội thành gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm. Các chuyên gia nhận định, việc hạn chế, cấm xe máy hoạt động ở nội đô vào năm 2030 là thiếu khả thi. Bởi hiện nay, hạ tầng giao thông còn yếu kém, đường sá còn hẹp, việc cấm xe máy hoạt động sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại. Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông công cộng còn chưa được phát triển.

TUYỂN SINH ĐẦU CẤP Ở HÀ NỘI: NÓNG KHỐI TRƯỜNG CÔNG

Từ ngày 1/7, Cổng thông tin tuyển sinh trực tuyến của TP. Hà Nội chính thức mở để phụ huynh học sinh đăng ký tuyển sinh cho con ở độ tuổi đầu cấp (mầm non 5 tuổi, lớp 1, lớp 6). Thông tin đăng tải trên báo Đại Đoàn Kết.

Hà Nội hiện đã và đang thực hiện rà soát đầy đủ các đối tượng học sinh dự tuyển vào các cấp; từng bước xây dựng phương án đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cho năm học mới. Nhiều bậc phụ huynh vẫn đặt nhiều hy vọng cho cho em mình vào trường công. Làm sao để không quá tải trường lớp luôn là câu hỏi bức thiết với ngành giáo dục Thủ đô cũng như nhiều địa phương khác có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao. Theo ý kiến của các chuyên gia, ngoài việc đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các trường ngoài công lập phát triển, cần quyết liệt thực hiện các quy định đã có sẽ giúp trường công lập giảm tình trạng quá tải. Việc xây trường cùng với xây nhà là câu chuyện đã nói nhiều năm nay nhưng việc triển khai vẫn còn bỏ ngỏ ở nhiều nơi, cần gỡ nút thắt này.

CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU LỪA "GIẢ DANH CHUYÊN GIA ĐÒI HỘ TIỀN BỊ LỪA ĐẢO"

Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh luật sư, chuyên gia hỗ đòi tiền... để lừa đảo.

Kẻ giả danh thường đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo cần thu hồi lại tiền, nên đã lợi dụng để quảng cáo cung cấp dịch vụ "đòi tiền hộ". Cụ thể, khi thấy có nạn nhân vừa bị lừa đảo đăng bài hoặc bình luận kể câu chuyện của mình, các đối tượng lừa đảo đã chủ động inbox để dụ dỗ họ kết nối với các fanpage hoặc một chuyên gia giả danh để được giúp đỡ. Và nhấn mạnh việc sẽ thu hồi được tiền lừa đảo giúp nạn nhân mà không cần mất một đồng tiền phí nào. Và sau đó, các đối tượng sử dụng các chiêu trò để bịa ra một lý do phù hợp, đẩy cho nạn nhân một lỗi nào đó và yêu cầu nạn nhân phải chuyển phí. Thực chất, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo của kẻ xấu.

TP.HCM CẦN HƠN 100.000 TỶ ĐỒNG CHO 120 DỰ ÁN GIẢM NGẬP VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Tình trạng sau mưa thành phố ngập trong nước, từ nhiều năm qua luôn làm đau đầu giới chức, các cơ quan chuyên môn cùng hàng triệu người dân TP.HCM. Nhiều dự án đã được triển khai, thi công, rất nhiều kinh phí đã được huy động, từ vốn ngân sách đến các dự án BOT…

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, TP.HCM có khoảng 120 dự án đầu tư trong lĩnh vực chống ngập và xử lý nước thải. Nguồn vốn cần cho các dự án này khoảng 100.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025. Thế nhưng, thực tế các dự án chống/giảm ngập chỉ được giao 17.400 tỷ đồng. Riêng trong hai năm triển khai thực hiện (2021 – 2022), nguồn vốn được giao chỉ khoảng 6.700 tỷ đồng nên đến nay chỉ giải được 7 tuyến đường ngập do triều cường và 5/18 tuyến đường ngập do mưa… Đây là lý do khiến hệ thống chống ngập, tiêu thoát chưa đồng bộ. Trong giai đoạn 2016 – 2020, chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM cũng cần nguồn vốn khổng lô gần 97.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc huy vốn trên thực tế chỉ đáp ứng 50% từ ngân sách, từ các nhà đầu tư, xã hội hóa trong dân, đã khiến các dự án chống ngập, tiêu thoát nước dang dở, chắp vá.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam