Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng - nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Để kịp thời giúp đỡ những nạn nhân bị bạo lực gia đình có một nơi tạm lánh, trên địa bàn cả nước đã triển khai nhiều mô hình trong đó mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã trở thành một địa chỉ nơi mà bằng sự cảm thông có thể giúp các chị em chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa, đồng thời được tuyên truyền nâng cao ý thức trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Giường, chiếu, chăn, xoong, nồi hay thuốc men những đồ dùng thiết yếu hàng ngày đều được chuẩn bị đầy đủ bởi các thành viên tại hội liên hiệp phụ nữ xã Văn nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Với đặc thù là tỉnh miền núi, gần 80% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều gia đình vẫn còn giữ nếp trọng nam khinh nữ do vậy, nhà văn hoá xóm Tre, xã Văn nghĩa được thành lập trở thành một địa chỉ tin cậy để giúp đỡ kịp thời những chị em và trẻ nhỏ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Và đây cũng là nơi để các hội viên chị em phụ nữ gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng.

Mỗi tháng 1 lần, các buổi sinh hoạt được tổ chức với nhiều chủ đề khác nhau như: Bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trẻ em, những hành vi được coi là bạo lực gia đình…. Qua đó, các chị em được chia sẻ, được nói ra những tâm tư, giao lưu, phát huy sở trường, thế mạnh của mình. Đến nay, trênn địa bàn huyện Lạc Sơn, các mô hình địa chỉ tin cậy, đã giải quyết nhiều vụ việc có liên quan đến bạo lực, mâu thuẫn trong gia đình. 

Mô hình địa chỉ tin cậy là 1 trong những mô hình thuộc Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, đây cũng là là một trong 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua thời gian triển khai hoạt động, có thể thấy, mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã khẳng định được sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt là bảo vệ chị em phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội, tránh khỏi bạo lực gia đình, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.  

Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!

Ngô Trang -

Công Kiên