Đề nghị mức chi cho giáo dục đúng dự toán ngân sách nhà nước

Chiều 8/10, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo về kết quả thực hiện  nhiệm vụ công tác năm học 2022-2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2023-2024, tình hình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, tỷ lệ dự toán chi thường xuyên NSNN cho GDĐT trong giai đoạn 2021-2023 được Quốc hội phê chuẩn đạt từ 13,81% đến 15,45%, giảm so với giai đoạn 2016-2020. Ngân sách trung ương chiếm 10,6% tổng chi NSNN cho giáo dục, do các Bộ, ngành trung ương trực tiếp quản lý, sử dụng. Trong đó, Bộ GDĐT chỉ trực tiếp quản lý 1,34 % tổng chi NSNN cho GDĐT, và chỉ đạt xấp xỉ 0,23% tổng chi ngân sách của cả nước.

Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng cho rằng bên cạnh những vướng mắc trong phân bổ ngân sách nhà nước, hiện tại ngành giáo dục cũng thiếu các điều kiện để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo và có phương án giải quyết. 

Ghi nhận những ý kiến của Bộ giáo dục và đào tạo, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý trong quá trình tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề học phí. Bộ thực hiện lộ trình tăng học phí cần tính toán phù hợp với đặc thù của từng địa phương, vùng miền. 

Thường trực ủy ban cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư; hạn chế điều chỉnh, cắt giảm, chuyển nguồn kinh phí. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Phan Hằng -

Việt Hà