Đánh giá cao Quốc hội lần đầu tiên đưa nội dung giám sát giải quyết kiến nghị cử tri vào thảo luận tại kỳ họp

Trong phiên họp ngày 26/5, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đồng tình và đánh giá cao với việc lần đầu tiên Quốc hội đưa nội dung kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV để thảo luận tại kỳ họp này.

Báo cáo đầy đặn, phụ biểu kèm theo tương đối chi tiết là dịp để đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri có được sự đánh giá, nhìn nhận một cách toàn diện công tác tổng hợp, phân loại các kiến nghị và theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Bộ, ngành Trung ương.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đã tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại các xã khu vực 2, khu vực 3 trong 2 năm 2021-2022. Nhưng đến thời điểm hiện nay, kinh phí còn nợ phải thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ sản xuất của năm 2021 và 2022 cho các thôn, tổ, người dân là trên 52 tỷ đồng.

Tháng 6/2022, Bộ Tài chính có quyết định về việc giao dự toán bổ sung kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đã được phân bổ trên 72 tỷ để thực hiện tiểu dự án 1 của dự án 3, nhưng thời gian cấp kinh phí và các văn bản hướng dẫn muộn nên việc triển khai thực hiện tiểu dự án 1 trong năm 2022 tỉnh Bắc Kạn chỉ giải ngân được trên 17 tỷ. Đại biểu đề nghị Chính phủ đồng ý cho tỉnh được sử dụng một phần kinh phí từ nguồn vốn đã được phân bổ trong năm 2022 của tiểu dự án 1 để thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ và sản xuất thuộc các xã khu vực 2, khu vực 3 của 2 năm 2021, 2022…

Cử tri tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm dành nguồn lực đầu tư công trung hạn, xây dựng mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh miền núi, có tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh, từ đó phát huy hiệu quả của tuyến đường. Sớm đầu tư xây dựng đoạn tránh trung tâm các huyện, thành phố và các thị trấn thường xuyên có ách tắc giao thông, nhằm nâng cao khả năng lưu thông phục vụ mục tiêu từng bước hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch được duyệt. Sớm cho chủ trương đầu tư với dự án tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch để không những phát huy tối đa nguồn lực đầu tư, đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!