Đại biểu đề xuất 'nới' tỉ lệ vốn nhà nước lên 80% với dự án giao thông PPP

Cũng trong sáng 09/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Liên quan việc Chính phủ đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng vốn đầu tư các dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhiều ý kiến khẳng định, đây là điểm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, có tác động đến kinh tế, liên kết vùng.

Hiện nay Chính phủ đang đệ trình tỉ lệ vốn Nhà nước cao hơn so với tỉ lệ quy định trong Luật PPP là 70%. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cân nhắc tỷ lệ này để đảm bảo tính khả thi và tháo gỡ được vướng mắc, tồn tại hiện nay.

Đại biểu Lại Văn Hoàn dẫn chứng thực tiễn triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình, kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thành phố Hải Phòng và các tỉnh ven biển. Trong quá trình triển khai thực hiện, do nhiều nguyên nhân, đã dẫn đến chi phí phần khối lượng do phần vốn Nhà nước đảm nhận tăng lên 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh. Do vậy, đại biểu băn khoăn việc tăng tỷ lệ lên 70% như dự thảo Nghị quyết liệu có thể tháo gỡ tồn tại, vướng mắc hiện nay.

Một số ý kiến cho rằng tuy theo tính chất của dự án đường bộ mà tỷ lệ này có thể điều chỉnh. Ví dụ như các dự án đường ở khu vực địa bàn hiểm trở, khó thu hút nhà đầu tư tham gia thì có thể cân đối tỷ lệ tham gia của nhà nước lên 80-85%.

Không nên giới hạn danh mục các dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, điều đó sẽ tạo ra cơ chế “xin-cho”. Cần xây dựng khung tiêu chí để hướng tới việc phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ các khó khăn chung cho địa phương, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, miền biên giới, nơi phên dậu Tổ quốc, điều kiện tiếp cận giao thông khó khăn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam