• 4235 lượt xem
  • 16:41 27/04/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Chiến tranh trên không ở Việt Nam - Phía sau những trận không chiến

Ấn phẩm "Chiến tranh trên không ở Việt Nam - Phía sau những trận không chiến" của các tác giả Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Sỹ Hưng được giới thiệu trong chương trình "Cuốn sách tôi chọn" hôm nay sẽ thêm góp thêm những hình dung về những người lính phi công Việt Nam.

Trong 8 năm diễn ra cuộc chiến tranh trên không ở Việt Nam, Không quân nhân dân Việt Nam cùng các lực lượng phòng không đã chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong thế trận phòng không nhân dân, bảo vệ bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Để thắng được Không quân và Hải quân Mỹ hùng mạnh nhất thế giới, không quân Việt Nam không chỉ có sự dũng cảm, ý chí chiến đấu của các phi công mà là cả tài thao lược, khả năng ứng phó của một tập thể trí tuệ. 

Trung tá, Phi công NGUYỄN SỸ HƯNG, Tác giả, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam: “Cuốn sách viết về toàn bộ hệ thống cơ sở về lý luận để mình đánh thắng, về mặt chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, đặc biệt là tập trung sâu về mặt chiến thuật, là những cái mà phi công thể hiện trong từng trận đánh để mọi người hiểu một điều rằng phi công Việt Nam ngoài lòng dũng cảm, ngoài ý chí, ngoài sự quyết tâm bảo vệ tổ quốc ra họ còn có chất trí tuệ. 

Từ bác Nguyễn Văn Bảy văn hoá chỉ lớp 3 nhưng đã rất mưu trí dũng cảm, bắn rơi 7 máy bay Mỹ mà không hề nhảy dù lần nào, anh Lê Hải bắn rơi 6 chiếc cũng không nhảy dù lần nào, hay anh Soát cũng thế, không nhảy dù lần nào, để nói rằng thế hệ phi công ấy là được trưởng thành trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tiếp thu khoa học kỹ thuật, có lòng dũng cảm, sẵn sàng hi sinh bảo vệ tổ quốc nhưng trong họ chất trí tuệ rất đáng khâm phục và thể hiện ở chỗ xây dựng được hệ lý luận chiến tranh trên không để thắng được không quân hùng mạnh như Không quân và Hải quân Mỹ. 

Rất may cho tôi được cộng tác với anh Soát là một người đã từng thực tế tham gia chiến đấu, thứ hai là Tư lệnh quân chủng cấp chiến lược sau đó lên Phó Tổng tham mưu nên cái nhìn bao quát ở tầm chiến lược, chiến dịch”.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND NGUYỄN ĐỨC SOÁT, Tác giả, Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Chúng tôi cũng tìm cách lý giải được cái trăn trở, vất vả, lo lắng của chỉ huy, tôi cũng nói thêm là MIG 21 không phải ngay lập tức bắn rơi được đâu, thuở ấy, nhiều người đã nghĩ là MIG 21 dùng tên lửa đánh là không hợp với Việt Nam, có người còn nói là giống như ông Quan Văn Trường vác đại đao bổ vào ngõ hẻm, thì không vung được, không đánh được nên chúng ta đã xin máy bay MIG 21 nhưng có pháo ở trên, tức là loại máy bay rất cũ của Liên Xô rồi, hay là cử học viên đi học bay ở Liên Xô, ý định là học MIG 21, nhưng cả đoàn lại đề nghị với phía bạn đào tạo chỉ học MIG 17 để về đánh nhau chứ không bay MIG 21. 

Đoạn đầu chúng ta lúng túng như thế. Liên Xô sản xuất MIG 21 cũng tính là chỉ đánh chặn thôi, tức là tìm cách bay tốc độ lớn, bay thẳng, bắn rơi máy bay địch bằng rađa, sau đó thoát ly về chứ không nghĩ là chúng ta tìm cách không chiến, chính chúng ta đã tìm ra cách đánh của MIG 21, dẫn đường từ xa, tiếp cận mục tiêu và tấn công nhanh, đánh nhanh sau dùng tốc độ lớn thoát về. Tính năng của MIG 21 hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu ấy. 

Chúng tôi lý giải rất cẩn thận vai trò tổ chức chỉ huy, của dẫn đường, hành động cụ thể của phi công, chiến thuật của tổ bay, biên độ trong chiến đấu, tính mục đích của nó là làm cho mọi người hiểu là chúng ta đánh địch không phải bằng cơ bắp mà bằng trí tuệ của một tập thể ở trên trời”.

Trung tá, Phi công NGUYỄN SỸ HƯNG, Tác giả, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam: “Cuốn này tôi có đối chiếu hệ lý luận của Mỹ và của Việt Nam và đặc trưng là lý thuyết về đánh chặn của MIG 21 của Trần Mạnh và tập thể phi công Việt Nam với lý thuyết của ông John Boy là nhà lý thuyết hàng đầu của phi công Mỹ để so sánh lý thuyết của hai bên, để những độc giả nghiên cứu sâu có thể tìm hiểu sâu thêm.

Đặc biệt tôi dành hẳn 1 chương để nói về lý thuyết thời hiện đại lý thuyết mới về đánh nhau trên không của toàn thế giới, của phi công phương Tây cũng như của Nga, Trung Quốc và Việt Nam, để độc giả có bắc cầu từ tổng kết lý luận cũ sang lý luận thời hiện đại, để truyền lại cho thế hệ sau những bài học kinh nghiệm, những tấm gương để truyền thống Quân chủng Phòng không không quân nói chung được mãi mãi trường tồn, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc”./.