Cuộc đua tăng lãi suất trên thế giới chưa có hồi kết

Động thái của FED được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây không phải một quyết định bất ngờ khi lạm phát ở nước này vẫn còn ở mức cao. Và để kiềm chế đà tăng lạm phát, không chỉ riêng Fed, mà nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đang trong "cuộc đua lãi suất".

Ước tính có khoảng 90 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay, và một nửa trong số đó đã tăng ít nhất 0,75 điểm phần trăm trong một lần tăng duy nhất. Đáng chú ý, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây cũng tăng lãi suất chủ chốt lên 2%, đánh dấu lần tăng lãi suất lớn thứ 2 trong lịch sử ECB.

Ông THOMAS MAYER - Nhà kinh tế học: “ECB đã tăng tốc trong việc kìm hãm lạm phát, nhưng điều này vẫn đang bị hạn chế do các vấn đề tồn tại ở các quốc gia có nợ rất cao. Nếu tăng lãi suất quá nhiều, những nước này sẽ gặp vấn đề về khả năng thanh toán.”

Điều chỉnh lãi suất cũng là công cụ quan trọng được nhiều ngân hàng trung ương sử dụng trong thời gian qua để hỗ trợ đồng nội tệ không giảm sâu so với USD.

Ông RHEE CHANG-YONG - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc: “Những biến động về tỷ giá hối đoái đã gây bất ổn trên thị trường tài chính, khiến dòng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế và thúc đẩy các hành vi đầu cơ. Do đó, cần tăng cường các phản ứng chính sách bằng cách nâng lãi suất.”

Đi ngược lại với xu hướng trên thế giới, Nhật Bản là trường hợp hiếm hoi không điều chỉnh chính sách tiền tệ theo quyết định của FED. Đến nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Ông HARUHIKO KURODA - Thống đốc Ngân hang Trung ương Nhật Bản: “Nhật Bản không có kế hoạch tăng lãi suất hoặc tìm kiếm một lối thoát cho chính sách tiền tệ bất kỳ lúc nào. Nhưng nếu lạm phát ổn định ở mức 2%, chúng tôi sẽ đưa ra một chính sách phù hợp.”

Ngân hàng Thế giới đánh giá việc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát là điều cần thiết, tuy nhiên các ngân hàng trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo vừa kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả, vừa hạn chế những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Còn đối với Mỹ, hiện vẫn có ý kiến cho rằng FED đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa phải kiểm soát lạm phát vừa duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát đã trở thành mục tiêu chính sách hàng đầu của nước này trong giai đoạn hiện nay và lộ trình của FED cho thấy tốc độ tăng lãi suất sẽ không sớm dừng lại, kéo theo "cuộc đua lãi suất" sẽ còn tiếp diễn.

Bùi Thảo