Cụm tin tối 4/1: Khách đổi, trả vé tàu Tết Nguyên Đán sẽ bị thu phí tới 30%

Phố bích họa Phùng Hưng thay "áo mới"; Khách đổi, trả vé tàu Tết Nguyên Đán sẽ bị thu phí tới 30%; Ngăn chặn hành vi lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính,... là những tin tức đời sống, xã hội nổi bật có trong cụm tin ngày 4/1.

PHỐ BÍCH HỌA PHÙNG HƯNG THAY “ÁO MỚI”

Sau khoảng hai tuần chỉnh trang, phố bích họa Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội dự kiến đưa vào hoạt động từ ngày 6/1 tới. Đây là dự án do quận Hoàn Kiếm phối hợp với Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc và Ủy ban định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam triển khai thực hiện nhằm đưa nghệ thuật công cộng vào cuộc sống, phát huy giá trị di sản đô thị của khu phố cổ Hà Nội. Đoạn phố dài hơn 200m, trưng bày 17 tác phẩm trên tổng số 127 vòm cầu, gợi nhớ về Hà Nội xưa. Sau gần 5 năm ra mắt, phố bích họa Phùng Hưng đã xuống cấp, bong tróc, phai màu. Sau 2 tuần chỉnh trang, đến nay, các bức bích hoạ đã được sửa chữa, hoàn thiện, đảm bảo mỹ quan đô thị, hứa hẹn sẽ là điểm tham quan thu hút du khách đến với Thủ đô dịp Tết Nguyên đán.

KHÁCH ĐỔI, TRẢ VÉ TÀU TẾT NGUYÊN ĐÁN SẼ BỊ THU PHÍ TỚI 30%

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa đưa ra quy định thời gian, mức phí đổi, trả vé tàu Tết Quý Mão tùy theo mác tàu, chặng hành khách đã mua vé. Cụ thể, khi trả vé, hành khách có vé cá nhân phải trả vé trước giờ tàu chạy từ 24 giờ trở lên với mức phí là 10% giá vé, từ 4 giờ đến dưới 24 giờ mức phí là 20% giá vé, dưới 4 giờ không áp dụng trả vé. Hành khách có vé tập thể phải trả vé trước giờ tàu chạy từ 72 giờ trở lên với mức phí là 10% giá vé, từ 24 giờ đến dưới 72 giờ mức phí là 20% giá vé, dưới 24 giờ không áp dụng trả vé. Đối với vé tàu Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Tổng công ty cho biết vẫn còn khoảng 40.000 vé tàu.

NGĂN CHẶN HÀNH VI LỢI DỤNG LỄ HỘI ĐỂ THU LỢI BẤT CHÍNH

Tết Nguyên đán sắp cận kề đồng nghĩa với mùa lễ hội sắp bắt đầu. Nhằm tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố. Trong đó yêu cầu ban tổ chức các lễ hội cần thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, biến tướng trong dâng sao giải hạn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội…Tiếp tục xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Tổ chức các phương án an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch Covid-19.