Cụm tin quốc tế tối 26/7: Nga: Thỏa thuận ngũ cốc không cản trợ chiến dịch tại Ukraine

Nga: Thỏa thuận ngũ cốc không cản trợ chiến dịch tại Ukraine; Tầm quan trọng chiến lược của Odessa; Tổng thống Pháp thăm Châu Phi; Hai ứng viên tranh chức Thủ tướng Anh tranh luận trực tiếp; Trung Quốc và ASEAN hy vọng sớm đạt được COC; Venice thu phí vào cửa với du khách... là những tin tức quốc tế nổi bật tối 26/7.

NGA: THỎA THUẬN NGŨ CỐC KHÔNG CẢN TRỢ CHIẾN DỊCH TẠI UKRAINE 

Tiếp tục cập nhật thông tin về xung đột  ở Ukraine. Theo báo cáo mới nhất từ Ukraine, Nga lại một nữa tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào vùng Odessa, nơi có thành phố cảng cùng tên vừa bị tập kích bằng tên lửa hồi tuần trước. Các nhân chứng đã nghe thấy tiếng nổ tại một số thị trấn ven biển. Thông tin này hiện chưa được kiểm chứng và phía Nga cũng chưa có phản hồi.

Liên quan tới vụ Nga tập kích vào cảng Odessa, một cửa ngõ xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Sự việc đã làm dấy lên hoài nghi về sự tuân thủ của Moscow đối với thỏa thuận được Liên Hợp Quốc bảo trợ về xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc tồn kho của Ukraine. Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phủ nhận việc nhắm vào hoạt động xuất khẩu của Ukraine, và nhấn mạnh thỏa thuận ngũ cốc không ảnh hưởng đến chiến dịch của Nga ở Ukraine.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm Congo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, theo thỏa thuận kí kết gần đây liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc, Moscow không có nghĩa vụ chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt và tập kích mục tiêu quân đội Ukraine.

Ngoại trưởng Nga SERGEI LAVROV: “Nếu nói đến sự việc xảy ra ở Odessa, rõ ràng khuôn khổ thỏa thuận mà Nga ký ở Istanbul ngày 22/7 không có điều khoản nào cấm chúng tôi tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt, phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và các công trình phục vụ quân đội Ukraine.”

Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết, sau vụ tấn công, hệ thống chống hạm Harpoon do Mỹ cung cấp cho Ukraine đang triển khai trong thành phố đã không còn là mối đe dọa đối với các lực lượng của Nga.

Trong một diễn biến liên quan, LHQ cho biết, dự kiến các tàu chở ngũ cốc Ukraine sẽ di chuyển trong một vài ngày tới, theo thỏa thuận đã được các bên kí kết.

Ông FARHAN HAQ, Người phát ngôn của Tổng thư kí Liên hợp quốc: “Tất cả các bên liên quan đến thỏa thuận đều tái khẳng định cam kết với thỏa thuận. Vào ngày mai, đại diện các bên và LHQ sẽ có mặt tại Trung tâm Điều phối chung ở Istanbul. Trung tâm Điều phối chung sẽ liên hệ với ngành vận tải biển và công bố quy trình chi tiết về các tàu hàng trong thời gian tới."

Khoảng 25 triệu tấn lúa mì và ngũ cốc Ukraine hiện đang bị mắc kẹt tại kho chứa do Biển Đen bị phong tỏa. Xuất khẩu ngũ cốc đình trệ được cho là nguyên nhân khiến giá lương thực toàn cầu tăng, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nạn đói, đặc biệt ở những nước nghèo nhất thế giới.

TẦM QUAN TRỌNG CHIẾN LƯỢC CỦA ODESSA 

Không phải ngẫu nhiên mà các lực lượng của Nga liên tục nhắm mục tiêu đến Odessa. Bởi lẽ, thành phố cảng này được ví như "hòn ngọc của Biển Đen", và có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế và quân sự với Ukraine. Kiểm soát được Odessa đồng nghĩa với việc Moscow có thể cắt đứt con đường tiếp cận biển của Ukraine. 

Odessa là thành phố lớn thứ ba của Ukraine với dân số chỉ hơn một triệu người. Nằm ở miền Nam, thành phố cảng này là một phần trong huyết mạch thương mại quan trọng nhất của Ukraine. Trước khi xảy ra xung đột, theo một số nhà phân tích, 25% hàng hóa xuất khẩu sang Châu Âu đều đi qua Odessa. Cảng cũng có công suất lưu trữ khí đốt và dầu mỏ lên tới 25 triệu tấn. Nơi đây cũng là một trung tâm trung chuyển ngũ cốc quan trọng của Ukraine, vốn chiếm 1/6 nguồn cung ngô của thế giới và 1/8 lúa mì của thế giới.

Ông DMYTRO BARINOV, Phó Giám đốc Cơ quan Cảng biển Ukraine: “Các tàu biển và hoạt động vận chuyển rất quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine và cả nền kinh tế thế giới."

Nằm án ngữ bờ Biển Đen và là nơi đóng quân của hải quân Ukraine, cảng Odessa cũng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo các chuyên gia, nếu Nga có thể kiểm soát cảng biển này, đó là sẽ một cú đánh mạnh vào nỗ lực chiến đấu của Kiev và giúp Moscow thắt chặt việc kiểm soát nguồn cung năng lượng toàn cầu này, vốn đã sụt giảm kể từ khi xung đột nổ ra. Điều này sẽ làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của Ukraine và Châu Âu vào Nga, đồng thời khiến lạm phát và giá cả toàn cầu tăng cao hơn.

Bà SOPHIE KOBZANTSKY, Chuyên gia phân tích: “Nếu hải quân Nga có sự hiện diện ở Odessa, thì về cơ bản họ sẽ kiểm soát toàn bộ thị trường thương mại ở Biển Đen." 

Với tầm quan trọng chiến lược, các nhà phân tích nhận định, việc nắm quyền kiểm soát Odessa sẽ rất quan trọng đối với Ukraine trong việc đảm bảo ổn định kinh tế, duy trì xuất khẩu và gia tăng đối trọng với Nga trong cuộc xung đột hiện nay.  

TỔNG THỐNG PHÁP THĂM CHÂU PHI

Tổng thống Pháp ông Emmanuel Macron đang thực hiện chuyến thăm 4 ngày tới 3 nước châu Phi là Cameroon, Bê-nin  và Guinee-Bissau trong nỗ lực khôi phục lại ảnh hưởng của Pháp tại châu lục này. 

Đây là chuyến công du đầu tiên tới Châu Phi của ông Macron kể từ khi tái đắc cử vào tháng 4 năm nay, trong bối cảnh ông đang tìm cách khởi động lại mối quan hệ thời hậu thuộc địa của Pháp với lục địa này theo cam kết đưa ra khi bắt đầu nhiệm kỳ mới. Chương trình nghị sự sẽ được Tổng thống Macron đề cập trong chuyến thăm lần này là vấn đề an ninh lương thực, chống khủng bố và sự hiện diện của quân đội Pháp tại Châu Phi. Đây cũng là cơ hội để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Châu Phi sắp diễn ra. 

HAI ỨNG VIÊN TRANH CHỨC THỦ TƯỚNG ANH TRANH LUẬN TRỰC TIẾP 

Tối qua theo giờ địa phương, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss, hai ứng cử viên cuối cùng trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng Anh, đã tham gia cuộc tranh luận trước các cử tri tại thành phố Stoke-on-Trent, miền Trung nước Anh. Cuộc tranh luận cũng được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. 

Cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi và có phần gay gắt khi 2 ứng cử viên thể hiện sự bất đồng trong cách quản lý nền kinh tế của đảng cầm quyền. Trong khi Ngoại trưởng Liz Truss cho biết sẽ kế thừa các chính sách tài chính và chi tiêu từ chính quyền của ông Boris Johnson, thì cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak lại phản đối điều này.

Bà LIZ TRUSS, Ứng viên Thủ tướng Anh: “Tôi sẽ hành động ngay lập tức. Tôi hiểu rằng mọi người trên khắp đất nước đang phải vật lộn với một số vấn đề về chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất mà chúng ta đã trải qua trong nhiều thế hệ. Thật khó để trả tiền nhiên liệu. Thật khó để trả tiền thực phẩm. Tôi sẽ đảo ngược điều này.”

Bà Truss cam kết nếu thắng cử sẽ cắt giảm 30 tỷ bảng Anh (36,1 tỷ USD) tiền thuế, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi ông Sunak cho biết sẽ chỉ giảm thuế sau khi kiểm soát được lạm phát. Ông cho rằng chính sách cắt giảm thuế của bà Truss sẽ khiến lãi suất tăng cao và kinh tế sụp đổ, trong khi bà Truss lập luận chính sách tăng thuế mà ông Sunak theo đuổi sẽ gây tác động tiêu cực, khiến kinh tế Anh rơi vào suy thoái.

Ông RISHI SUNAK, Ứng viên Thủ tướng Anh: “Chúng tôi phải nhìn thẳng vào vấn đề, chúng ta phải xem điều gì sẽ xảy ra với các hóa đơn năng lượng. Trong vài năm qua,  tình hình thực tế đã thay đổi. Chúng ta luôn thông qua các khoản hỗ trợ, nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt. Chúng ta phải đưa ra các biện pháp lâu dài và đầu tiên là khuyến kích mọi người tiết kiệm năng lượng.”

Theo cuộc thăm dò thăm với hơn 1.000 cử tri, ông Sunak chỉ nhỉnh hơn bà Truss 1%, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 39% và 38%. Trong khi đó, cuộc khảo sát của hãng Opinium cho thấy đảng viên Bảo thủ cho rằng bà Truss đang làm tốt hơn, với tỷ lệ ủng hộ 47% so với 38% ủng hộ ông Sunak. Một cuộc khảo sát do YouGov công bố hồi tuần trước cho thấy, bà Truss hiện đang dẫn trước ông Sunak 24 điểm trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ. Theo giới phân tích, dù ai giành chiến thắng thì thách thức trước mắt sẽ là rất lớn, khi phải lèo lái Xứ sở sương mù vượt quá thời điểm khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ. Lạm phát hàng năm dự kiến sẽ lên tới 11%, tăng trưởng đình trệ, và đồng bảng Anh đang ở mức thấp lịch sử so với đồng đô la. 

TRUNG QUỐC VÀ ASEAN HY VỌNG SỚM ĐẠT ĐƯỢC COC

Trung Quốc và các nước ASEAN bày tỏ hy vọng sớm ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực. Đây là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo kỷ niệm 20 năm ngày ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) theo hình thức trực tuyến. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết DOC đã thiết lập các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực chung cho tất cả các bên trong việc xử lý vấn đề Biển Đông, đồng thời khẳng định, tất cả các bên cần kiên quyết ủng hộ mọi nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phản đối bất kỳ lời nói và hành động nào gây căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực. Với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN, Phó thủ tướng Campuchia Hor Namhong (Hô Nam Hông) khẳng định, Campuchia sẵn sàng thúc đẩy đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc để sớm đạt được COC. 

VENICE THU PHÍ VÀO CỬA VỚI DU KHÁCH 

Thành phố Venice, Italia, sẽ tiến hành thu phí cửa vào các điểm du lịch và yêu cầu du khách đăng ký trước nhằm đối phó với tình trạng quá tải du lịch của thành phố. Tuy nhiên điều này đã vấp phải sự một số ý kiến trái chiều của cộng đồng các hộ kinh doanh trong thành phố.

Venice là một trong thành phố có lượng du khách lớn nhất thế giới, đón hơn 20 triệu lượt du khách hàng năm. Tuy nhiên sắp tới thành phố này sẽ tiến hành thu phí vào cửa các khu du lịch đối với các khách than quan trong ngày, các du khách ở lại qua đêm sẽ đóng phí vào cửa thông qua việc thanh toán chi phí chỗ ở như khách sạn.

Ông SIMONE VENTURINI, Ủy viên Hiệp hôi Du lịch Venice: “Venice là một thành phố đặc biêt và tinh tế, nó phải được bảo tồn. Vì vậy, hệ thống mới này nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch.”

Tuy nhiên các hộ kinh doanh dịch vụ tại Venice lại bày tỏ không đồng tình với quyết định của thành phố và cho rằng việc thu phí tham quan thành phố sẽ làm mất đi động lực du lịch Venice của du khách.

Bà LETIZIA MATUZZI, Chủ hộ kinh doanh: "Có quá nhiều khách du lịch và khá ít cư dan tại Venice, nhưng tôi không nghĩ rằng việc thu thêm phí là giải pháp."

Hiện tại bài toán đặt ra với một trong những thành phố đông khách du lịch nhất thế giới là công tác quản lý thu phí đối với khách du lịch và làm sao để không thu phí nhầm người cư trú tại Venice. Dự kiến việc thu phí vào cửa du lịch Venice sẽ được thử nhiệm trong mùa hè này và đưa vào áp dụng tháng 1 năm 2023.

Đinh Giang