Cụm tin quốc tế 21/04: Nga thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới

Nga thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, Hai ứng viên tổng thống Pháp đối đầu trên truyền hình, Hàn Quốc - Mỹ thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh,... là những nội dung chính đáng chú ý trong cụm tin quốc tế ngày 21/04.

NGA THỬ NGHIỆM THÀNH CÔNG TÊN LỬA ĐẠN ĐẠO XUYÊN LỤC ĐỊA MỚI

Nga hôm qua đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin đã chúc mừng quân đội Nga về sự thành công của vụ phóng, đồng thời nhấn mạnh loại vũ khí này sẽ tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang Nga và đảm bảo an ninh cho nước Nga khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài một cách đáng tin cậy. Theo ông, tên lửa thế hệ mới này có tính chiến thuật cao nhất và có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của đối phương. 

HAI ỨNG VIÊN TỔNG THỐNG PHÁP ĐỐI ĐẦU TRÊN TRUYỀN HÌNH

Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đã có một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày hôm qua. Trong gần 3 tiếng đồng hồ, 2 ứng viên tổng thống Pháp đã có màn tranh luận gay gắt, xoáy vào những vấn đề chính về cuộc sống của người dân và thể hiện lập trường trái ngược trong một số sự kiện thế giới.

Khác với lần đối thoại tranh cử năm 2017, mở đầu phiên tranh luận, hai ứng cử viên đã chỉ trích lẫn nhau về việc không giải tỏa những quan ngại của người dân trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Bà Le Pen, ứng cử viên tổng thống đảng cực hữu của Pháp, cam kết sẽ có các biện pháp để giảm chi phí sinh hoạt của người dân. 

Bà MARINE LE PEN - Ứng cử viên Tổng thống Pháp 2022: “Ông Macron, tôi nghe nói rằng ông và chính phủ của mình vui mừng vì đã nâng cao sức mua cả người dân. Nhưng những gì tôi nghe được lại là những vấn đề và lo lắng về sức mua của người dân, rằng họ không đủ sống.”

Với tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 13 năm, ông Macron cho rằng, cách tốt nhất để nâng sức mua là giảm thất nghiệp. 

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: "Tôi nhìn vào chương trình của bà, 22 chính sách của bà. Từ "thất nghiệp" không được nhắc đến lần nào. Thật ấn tượng, đó không phải là vấn đề. Đó là sự thừa nhận rằng chính phủ đã làm tốt. Tôi cảm ơn bà về điều đó."

Sự tương phản giữa hai ứng cử viên Tổng thống Pháp còn được thể hiện trong vấn đề Nga - Ukraine. Bà Le Pen bày tỏ ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, song bà phản đối việc áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu năng lượng và khí đốt của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Macron lại nhằm vào mối quan hệ cá nhân có yếu tố Nga của bà Le Pen. 

Một cuộc khảo sát nhanh do kênh BFM TV thực hiện sau cuộc tranh luận cho thấy có tới 59% số người được hỏi nhận định ông Macron có "màn trình diễn" thuyết phục hơn. Trong cuộc khảo sát tương tự hồi năm 2017, tỷ lệ này là 63%. Đây là cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất trong quá trình tranh cử tổng thống Pháp. Cuộc tranh luận này rất quan trọng, được xem là cơ hội để hai ứng cử viên giành sự ủng hộ của những cử tri còn do dự. 

HÀN QUỐC - MỸ THẢO LUẬN VỀ CUỘC GẶP THƯỢNG ĐỈNH 

Một phái đoàn Mỹ sẽ tới Hàn Quốc vào cuối tuần này để thảo luận chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh, nhiều khả năng sẽ diễn ra trong tháng 5, giữa Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Seoul và Washington được cho là đang xúc tiến đàm phán để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hàn - Mỹ vào ngày 20 hoặc 21/5 tại Hàn Quốc, khi ông Biden có kế hoạch đến Nhật Bản để dự hội nghị an ninh vào cuối tháng 5. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp cấp cao sớm nhất giữa hai nước đồng minh sau khi ông Yoon Suk-yeol nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/5.

Ngọc Anh