Cụm tin quốc tế 19/7: Sri Lanka tiếp tục biểu tình yêu cầu quyền Tổng thống từ chức

Biểu tình yêu cầu quyền Tổng thống SriLanka từ chức; Đảng Bảo thủ Anh bỏ phiếu lần 2; EU quyết tâm hỗ trợ quân sự cho Ukraine; Lạm phát và động thái của ECB; Không có khí độc rò rỉ trong vụ rơi máy bay ở Hy Lạp... là những tin tức quốc tế đáng chú ý sáng 19/7.

SRI LANKA: BIỂU TÌNH YÊU CẦU QUYỀN TỔNG THỐNG TỪ CHỨC

Sri-Lanka tiếp tục trải qua nhiều bất ổn chính trị khi giới công đoàn nước này đã xuống đường biểu tình yêu cầu quyền tổng thống từ chức bất chấp việc chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp.

Những người biểu tình tập trung bên ngoài nhà ga chính tại thủ đô Colombo yêu cầu quyền tổng thống Ranil Wickremesinghe từ chức vì cho rằng ông Ranil không nhận được sự ủng hộ từ người dân Sri Lanka. 

Ông MAHINDA JAYASINGHE, Tổng thư ký Công đoàn Sri Lanka: “Chúng tôi xuống đường hôm nay vì ông Ranil Wickremesinghe cần phải rời khỏi ghế của mình. Ông ấy không có sự ủng hộ của người dân và không được ủy quyền để lãnh đạo.”

Tình hình chính trị tại Sri Lanka xảy ra nhiều bất ổn kể từ khi phong trào biểu tình buộc ông Gotabaya Rajapaksa từ chức. Chính quyền Sri Lanka đã phải nhiều lần ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Colombo khi biểu tình xuống đường dẫn đến bất ổn leo thang trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia nước này đã cạn kiện dự trữ ngoại tệ và thiếu hụt nguồn năng lượng nghiêm trọng.

ĐẢNG BẢO THỦ ANH BỎ PHIẾU LẦN 2

Trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 2, ứng cử viên Rishi Sunak của Đảng bảo thủ tiếp tục giành chiến thắng, tiến gần hơn đến cương vị thủ tướng Anh.

Trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 2 của nội bộ đảng cầm quyền, cựu bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak tiếp tục dẫn đầu trong khi có 1 ứng viên khác bị loại và đứng vị trí ngay sau ông Sunak là bà Penny Mordaunt và bà Liz Truss. Cuộc bầu cử này sẽ lựa chọn ra người lãnh đạo đảng bảo thủ, 2 ứng cử viên có số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ đối đầu trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới nhằm chọn ra người kế vị ông Boris Johnson.

EU QUYẾT TÂM HỖ TRỢ QUÂN SỰ CHO UKRAINE

Liên quan đến xung đột Nga – Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ khí tài cho Ukraine.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở mức báo động song các nước EU vẫn thể hiện quyết tâm hỗ trợ quân sự cho Ukraine sau 5 tháng chiến sự kéo dài. Giới chức EU khẳng định các biện pháp trừng phạt mà khối này áp dụng với Nga vẫn là lựa chọn đúng đắn bất chấp sự gia tăng của giá dầu và thực phẩm.

Ông JOSEP BORELL, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU: "Một số nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng các lệnh trừng phạt đối Nga là một sai lầm. Nhưng tôi không nghĩ đó là một sai lầm mà là điều chúng tôi cần phải làm và sẽ tiếp tục thực hiện nó."

EU vừa nhất trí áp dụng gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga trong đó có lệnh cấp nhập khẩu vàng từ quốc gia này đồng thời thông qua gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 500 triệu euro. Dự kiến, trong thời gian tới, Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba sẽ có một cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước châu Âu về về việc áp dụng thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga và thêm các gọi viện trợ quân sự cho Ukraine. 

LẠM PHÁT VÀ ĐỘNG THÁI CỦA ECB

Lạm phát đã bao trùm toàn bộ nền kinh tế các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) khiến cho nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên khó tránh khỏi. Điều này đã thức đẩy Ngân hàng trung ương châu Âu lần đầu tiên phải tăng lãi xuất sau nhiều năm.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường châu Âu đã có dấu hiệu khởi sắc song tâm lý các nhà đầu tư đều không lạc quan do các động thái sắp tới của Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Các chuyên gia nhận định, các báo cáo tài chính sắp tới sẽ giúp doanh nghiệp và các nhà đầu tư có một cái nhìn toàn diện hơn về tình hình tài chính và kinh tế khu vực này, đặc biệt là về vấn đề lạm phát và khả năng suy thoái kinh tế. Ngân hàng Trung ương Châu Âu dự kiến sẽ sớm tổ chức một phiên họp để đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề lạm phát trong đó tính đến việc tăng lãi xuất, điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 2011.

KHÔNG CÓ KHÍ ĐỘC RÒ RỈ TRONG VỤ RƠI MÁY BAY Ở HY LẠP

Sau khi chiếc máy bay chở vũ khí An-tô-nốp An-12 rơi gần thành phố Ka-va-la, miền Bắc Hy Lạp tối ngày 16/7, các nhà chức trách Hy Lạp đã nâng cảnh báo lên tình trạng báo động. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, cơ quan chức năng xác nhận rất may không có khí độc bị rò rỉ trong vụ tai nạn này.

Đại diện lực lượng cứu hỏa Hy Lạp đã thông báo, qua kết quả xét nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng không phát hiện dấu vết các chất gây rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng tại khu vực xảy ra vụ rơi máy bay. 

Ông MARIOS APOSTOLIDIS, Lực lượng cứu hỏa Bắc Hy Lạp: “Các thử nghiệm và kiểm tra không khí tại thời điểm hiện tại không cho thấy bất cứ chất gì bất thường, nhưng chúng tôi sẽ theo dõi thêm bởi hiện trường vẫn có khói bốc lên, trong khi đội đặc nhiệm cũng đã kiểm tra về chất màu trắng tìm thấy tại đây.”

Trước đó, lo ngại có chất độc hại rò rỉ bởi đây là máy bay chở vũ khí, các nhà chức trách đã khuyến cáo người dân địa phương đóng cửa sổ và cửa ra vào trong những giờ đầu tiên sau vụ tai nạn xảy ra, trong khi các đơn vị ứng phó thảm họa rà soát khu vực hiện trường để tìm kiếm các mảnh vỡ nguy hiểm.

Thông tin cho biết khi gặp nạn, máy bay chở hàng Antonov An-12, khởi hành từ Serbia, chở khoảng 11 tấn vũ khí và mìn tới Bangladesh. Bộ trưởng Quốc phòng Serbia cho biết chuyến bay vận chuyển vũ khí này được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng Bangladesh, phù hợp với các luật pháp quốc tế, đồng thời bác bỏ tin đồn chiếc máy bay vận chuyển vũ khí đến Ukraine. 

Hoàng Lịch