COP28: Còn bất đồng về tương lai của nhiên liệu hóa thạch

Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang đi tới những ngày cuối. Tuy nhiên, các nước tham gia đàm phán vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về tương lai của nhiên liệu hoá thạch - nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị lớn nhất về khí hậu của Liên Hợp Quốc COP28, các quốc gia tham dự đang chưa đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận của gần 200 nước trên thế giới, nhằm kết thúc kỷ nguyên của nhiên liệu hóa thạch.

Hiện tại, Ả Rập Xê-út và Nga nằm trong số các quốc gia nhấn mạnh rằng hội nghị chỉ tập trung vào việc giảm ô nhiễm khí hậu, chứ không nhắm vào nhiên liệu hóa thạch gây ra ô nhiễm đó. Mặt khác, ít nhất 80 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đang yêu cầu thỏa thuận COP28 kêu gọi việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trước tình hình này, Chủ tịch COP28 đã yêu cầu các quốc gia tham gia cuộc đàm phán về khí hậu đẩy nhanh quá trình tìm ra một thỏa thuận cuối cùng.

Thoả thuận về loại bỏ nhiên liệu hoá thạch này được đánh giá là chưa từng có tiền lệ. Nếu được thông qua, đây sẽ là cam kết lần đầu tiên nhằm chấm dứt việc sử dụng dầu và khí đốt sau gần 30 năm đàm phán về hiện tượng nóng lên toàn cầu. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!