COP28 bất đồng về vấn đề nhiên liệu hóa thạch

Hội nghị COP28 sẽ kết thúc vào ngày mai 12/12, tuy nhiên, các nước vẫn chưa thể có tiếng nói chung về tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Câu hỏi về việc có nên chấm dứt sử dụng loại nhiên liệu này hay không đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt.

Tại các cuộc đàm phán, một số quốc gia, trong đó có A Rập Xê-út và Nga phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hoá thạch vào thoả thuận của COP28 về khí hậu. Một số khác, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc thì chưa xác nhận rõ việc loại bỏ nhiên liệu hoá thạch, nhưng ủng hộ lời kêu gọi thúc đẩy hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo. Trong khi đó, ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận của COP28 về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Các cuộc tranh luận về nhiên liệu hoá thạch đã nóng lên sau khi xuất hiện thông tin, Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) đã gửi thư hối thúc các nước thành viên và những nước đồng minh sản xuất dầu mỏ phản đối việc đề cập nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng đạt được khi kết thúc COP28.
Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais từ chối bình luận về bức thư, song khẳng định OPEC muốn hội nghị duy trì trọng tâm vào mục tiêu giảm khí thải khiến trái đất nóng lên.

EU đã chỉ trích nỗ lực của OPEC nhằm làm chệch hướng thỏa thuận COP28 về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Văn bản đàm phán mới nhất được công bố cho thấy các nước vẫn đang xem xét một loạt lựa chọn: Từ đồng ý "loại bỏ nhiên liệu hóa thạch theo khoa học hiện có" đến tiếp tục sử dụng dầu, khí đốt và than đá, miễn là có công nghệ thu giữ và lưu trữ khí thải carbon phát sinh và không đề cập đến nhiên liệu hóa thạch. Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber kêu gọi các nước tích cực hơn, linh hoạt và chấp nhận thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm 1 thỏa thuận đầu tiên về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam