• 2594 lượt xem
  • 23:12 14/06/2022
  • COP26

COP26 |Số 11|: Thị trường tín chỉ carbon - Kinh nghiệm quốc tế và chính sách cho Việt Nam

Tại COP26 diễn ra tại Glassgow, Vương Quốc Anh mới đây, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đang tích cực, chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước. Là nước đi sau, Việt Nam sẽ phải học tập những kinh nghiệm gì và cần những chính sách cụ thể gì? Đây cũng là chủ đề chính của chương trình COP26 ngày 13/6.

THỊ TRƯỜNG CARBON LÀ GÌ?

Thuật ngữ thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định định thư Kyoto 1977 của Công ước Khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, thị trường tín chỉ carbon được xem là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế lượng khí thải phát sinh gây ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn buộc phải trả tiền để mua thêm “quyền được phát thải” và ngược lại, những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có mức phát thải thấp hoặc có khả năng lưu trữ, thu hồi khí thải sẽ nhận được thêm nguồn lợi tài chính.

Nói cách khác, thị trường tín chỉ carbon là công cụ bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Đây cũng là cách tiếp cận mới của Việt Nam được đưa ra tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, chính thức có hiệu lực kể từ 1/1/2022.

TÍN CHỈ CARBON LÀ GÌ?

Tín chỉ carbon là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Một tín chỉ cho phép phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác.

Do đó, các công ty được khuyến khích gấp đôi để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đầu tiên, họ phải chi tiền cho các khoản tín chỉ bổ sung nếu lượng khí thải của họ vượt quá giới hạn. Thứ hai, họ có thể kiếm tiền bằng cách giảm lượng khí thải và bán các tín chỉ dư thừa của họ.

Tín chỉ carbon có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch. Năm 2019, giá tín chỉ carbon trung bình là 4,33USD/tấn. Con số này tăng vọt lên tới 5,60USD/tấn vào năm 2020 trước khi giảm xuống mức trung bình 4,73USD vào năm 2021.

HÀNH ĐỘNG CỦA VIỆT NAM

Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 06/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, để vận hành thị trường carbon, Bộ TN và MT thực hiện 3 nhiệm vụ chính: thiết lập hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia; xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) kiểm soát nguồn phát thải lớn; thiết lập thị trường carbon, cũng chính là hệ thống mua bán phát thải (ETS). Lộ trình xây dựng thị trường tín chỉ carbon gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là xây dựng khung pháp lý, quy chế vận hành, triển khai thí điểm và tăng cường năng lực và nhận thức về phát triển thị trường carbon; giai đoạn thứ 2 là tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức. 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, dự kiến có tín chỉ carbon để bán cũng rốt ráo tìm hiểu để có thể biến những tín chỉ carbon mình đang có trong tay thành tiền, chẳng hạn như Công ty cổ phần Tuệ Viên hay Công ty cổ phần Shinec. 

Để bàn về chủ đề xây dựng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam và những bài học kinh nghiệm trên thế giới trong xây dựng thị trường tín chỉ carbon, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã mời ông Muthukumara Mani , Chuyên gia trưởng về Kinh tế Môi trường, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tới trường quay.

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi nội dung cuộc trò chuyện!

 

Kim Thanh- Kim Thoa- Hiền Trang