Công tác dự báo, dự đoán thụ động và bị động: Khi giá cả " tăng phi mã", mới giật mình đưa ra giải pháp tức thì

Xăng dầu, sắt thép, vật tư xây dựng, giá đất, nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp… tăng cao và tăng liên tục thời gian qua một lần nữa được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập tại buổi thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Làm thế nào để kiểm soát tốt nguồn cung sản xuất tiêu dùng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng đang là bài toán chung cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Nêu thực tế 4 vấn đề tồn tại, hạn chế từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đại biểu Trần Hồng Minh (đoàn Cao Bằng) thẳng thắn nhận định, giá nguyên liệu tăng đang là vấn đề quan trọng tác động không nhỏ tới đời sống người dân và doanh nghiệp. Dù thực tế giá tăng liên tục nhưng trong một thời gian dài các bộ, ngành không có chỉ đạo khắc phục khiến cho các nhà thầu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông TRẦN HỒNG MINH, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: “Tôi thấy các nhà thầu, doanh nghiệp kêu rất nhiều. Luật Đấu thầu trọn gói không có bù giá, trong khi thực tế giá cả tăng như thế, chúng ta không thể ngó lơ vì đã ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất cũng như tinh thần của doanh nghiệp. Do vậy, một số doanh nghiệp thời gian qua đã chùn bước.”

Không chỉ vậy, cử tri cả nước nhiều lần kiến nghị sự tăng giá “phi mã” của tất cả lĩnh vực khiến đời sống gặp nhiều khó khăn.

Ông TRẦN QUỐC NAM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận: “Giá cả nguyên vật liệu, phân bón, xăng dầu ảnh hưởng rất nhiều. Tuy có nhiều biện pháp nhưng người nông dân các nơi trong đó có Ninh Thuận vẫn rất e ngại. Liên nông và liên thương giờ không còn như xưa. Càng ngày bối cảnh càng khó khăn hơn. Các bộ ngành như nông nghiệp, công thương cần nghiên cứu quyết sách. Cá nhân tôi đề nghị, cần có chuyên đề để giải quyết nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp. Nếu chúng ta không quan tâm thì nông dân sẽ gặp khó khăn. Giá xăng dầu ảnh hưởng lớn đến việc vươn khơi bám biển. Điều này ảnh hưởng lớn đến bảo đảm an toàn biển đảo.”

Một số đại biểu chỉ rõ bất cập trong điều hành, nhất là dự báo tình hình giá cả còn chậm, thụ động; đồng thời đề nghị Chính phủ cần làm tốt công tác dự báo, kiểm soát tốt nguồn cung, bình ổn thị trường.

Ông TẠ VĂN HẠ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Khâu kiểm tra, dự báo, giám sát của Nhà nước rõ ràng đang có vấn đề, khi diễn biến của thị trường thay đổi nhanh chóng và tăng phi mã lúc đó mới giật mình đưa ra giải pháp tức thì để kiềm chế, khống chế. Lúc đó, phải nhìn cả hai phía. Ảnh hưởng tới nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng là ảnh hưởng của nhân dân. Công tác dự báo, dự đoán chậm, thụ động và bị động.”

Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: “Tăng cường quản lý với thị trường chứng khoán, bất động sản… tránh hiện tượng thổi giá, tạo dòng tiền không đầu tư sản xuất mà đầu tư vào bất động sản, có hiện tượng lũng đoạn thị trường chứng khoán. Kiểm soát tốt nguồn cung sản xuất tiêu dùng để không đứt gãy chuỗi cung ứng, có giải pháp điều hành và bình ổn giá.”

Nhiều đại biểu nhận định, bên cạnh bình ổn thị trường, các bộ, ngành cần đi trước một bước, tránh tình trạng khi giá cả tăng “phi mã” rồi mới tìm giải pháp hỗ trợ.

Tùng Dương