Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn "dậm chân tại chỗ"

Đi tìm lời giải cho tình trạng dậm chân tại chỗ trong công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận tình trạng chậm cổ phần hoá thời gian qua, cụ thể, năm 2021 mới chỉ thực hiện bán vốn được 18 doanh nghiệp, cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp, tổng thu ngân sách 4.402 tỉ đồng.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn của một số bộ, ngành, địa phương còn một số hạn chế, đặc biệt liên quan đến đất đai dẫn đến làm thất thoát vốn và tài sản của nhà nước. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết quan điểm khi tham mưu cho Chính phủ các biện pháp trong thời gian tới về vấn đề này?".

Ông HỒ ĐỨC PHỚC - Bộ trưởng Bộ Tài Chính: Khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân."

Ông NGUYỄN MINH SƠN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: Đề xuất giải pháp cho vấn đề này?"

Ông HỒ ĐỨC PHỚC - Bộ trưởng Bộ Tài Chính: Giải pháp trong thời gian tới là việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm."

Ông TRẦN VĂN TIẾN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng chậm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC - Bộ trưởng Bộ Tài chính: Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo về cổ phần hóa, gồm các thành viên là các bộ, ngành hữu quan, trong đó có Bộ Tài chính. Trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp trong vấn đề cổ phần hóa là chủ sở hữu của doanh nghiệp. Ở tỉnh thì trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh thực hiện cổ phần hóa theo đúng danh mục đã được Thủ tướng ban hành, đúng kế hoạch cổ phần hóa. Với các doanh nghiệp thuộc Bộ, Bộ trưởng là người trực tiếp chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm về phương án cổ phần hóa.

Giải trình về vấn đề đổi mới, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng thừa nhận, việc cơ cấu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn chậm,  đồng thời sẽ có giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

Phó thủ tướng Chính Phủ LÊ MINH KHÁI: Trong thời gian tới , sẽ có giải pháp để giải quyết vấn đề này..”