Cơ chế mua sắm trang thiết bị khi có thảm họa - vấn đề cần làm rõ trong dự án Luật Phòng thủ dân sự

Để phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, trong thời gian qua tỉnh đã chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch về phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại buổi làm việc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho rằng việc ban hành Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết để chuẩn bị các phương án để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh, thảm họa do con người hoặc thiên tai gây ra, góp ý cụ thể vào dự án luật đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng cần làm rõ cơ chế chỉ huy, phối hợp như thế nào để vừa phát huy hiệu quả đồng bộ, vừa tránh chồng chéo.

Luật cũng cần quy định rõ cơ chế mua sắm trang thiết bị khi có thảm họa để tránh trường hợp vi phạm pháp luật.

Ông LÊ TUẤN PHONG, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: “Năm vừa rồi, nếu được các đồng chí có thể chia thành 2 nhóm. Một nhóm sự cố thảm họa trên toàn quốc, Nếu được cơ quan tập trung mua sắm của Bộ, ngành, chuyên ngành mua xong rồi cấp phát hoặc kinh phí cho địa phương.”

Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định, đây là những cơ sở quan trọng phục vụ quá trình thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự của Ủy ban thời gian tới.

Trung tướng NGUYỄN MINH ĐỨC, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội: “Nếu nó xảy ra sự cố, thảm họa thì đã có kịch bàn đầy đủ, lực lượng tốt nhất, bài bản, để làm sao hạn chế thấp nhất các hậu quả đó. Muốn được như vậy thì nó phải có một hành lang pháp lý để nó không xảy ra những việc đáng tiếc về vi phạm pháp luật, cơ chế, trang thiết bị phục vụ … là những vấn đề quan trọng. Chúng tôi sẽ cùng cơ quan chủ trì soạn thảo tính toán đưa vào trong luật để tạo sự đồng thuận trước Quốc hội và sát với thực tế trong quá trình thực hiện."

Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị cần quan tâm hỗ trợ, đầu tư kinh phí xây dựng các cụm điểm tựa, công trình quốc phòng; nhất là các kè biển chống xâm thực và các khu tránh trú bão cho tàu thuyền.

Cùng ngày, đoàn khảo sát làm việc với UBND thành phố Phan Thiết và kiểm tra thực tế tại một số công trình tránh trú bão trên địa bàn.

Lê Trang