• 2745 lượt xem
  • 02:24 28/07/2022
  • Xã hội

Chuyện những người lính bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường

Trở về làng quê với những vết thương, với một phần cơ thể để lại nơi chiến trường, nhiều người lính áo xanh đã kiên cường vượt qua khó khăn, trở ngại, trở thành những tấm gương trong đời sống hiện tại, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế ở địa phương. Và ở xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có một cựu chiến binh như thế.

Sau 9 năm là lính đặc công tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Trần Hữu Ngư mang trên mình 81% thương tích. Năm 1977, ông xuất ngũ về lại quê hương - mảnh đất Lục Ba trong sự chờ đợi và lo lắng của những người thân . 

Bỏ lại ký ức đau thương ở lại chiến trường, ông Trần Hữu Ngư đã cùng người vợ tần tảo của mình vượt bao khó khăn để làm kinh tế. Thân thuộc với cây chè từ tấm bé, ông quyết xây dựng hương hiệu chè của riêng mình. Và những búp chè đã không phụ công ông, không phụ cái sự ham học hỏi, chịu thương chịu khó và quyết tâm đến cùng

Ông TRẦN HỮU NGƯ – Cựu binh sư đoàn 305: “Tôi mong muốn tạo mô hình chè vững mạnh, sau này giúp con cái và người dân địa phương thêm công việc. Mùa chè rộ thì gần chục lao động, bình thường thì 5-7 lao động.”

Trồng và chế biến chè là thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. Nhận thấy sự phát triển về thức uống truyền thống của người Việt, ông Ngư đã cùng con trai mày mò, nghiên cứu đổi mới cách trồng, thu hái và phương thức sản xuất sao cho đạt năng suất cao. Với cơ sở của mình, một năm gia đình ông Ngư thu về khoảng 1,3 tỷ đồng, 

Để có được một cơ sở chế biến và sản xuất chè uy tín trong khu vực, ông Ngư luôn dạy bảo các con, các cháu lấy chữ tín, chữ tâm làm đầu.

Anh TRẦN HỮU NGHIỆP – Con trai ông Ngư: “Trước bố đi bộ đội về vẫn làm theo cách truyền thống, ông đứng sau động viên, dạy bảo chúng tôi rất nhiều.”

Ông NGUYỄN VĂN ĐẠI – Cán bộ Văn hóa xã Lục Ba, Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên: “Trong khu vực có một số làm kinh tế giỏi, đặt biệt như ông Ngư, dù là thương binh 81%, nhưng đồng chí đã vận động gia đình làm chè, bây giờ là hợp tác xã chè sạch ở địa phương.”

Ông TRẦN HỮU NGƯ – Cựu binh sư đoàn 305: “Tôi chỉ mơ ước là dạy con cái biết làm ăn, xây dựng gia đình yêu ấm, tổ quốc giàu mạnh.”

Có bố là thương binh chống Pháp, bản thân cũng là một người lính, ông Ngư luôn cố gắng chiến đấu hết mình, từ chiến trường Tây Nam cho đến chiến trường làm kinh tế. Vẫn một chất lính mạnh mẽ, quyết liệt, vẫn một quyết tâm xây dựng cuộc đời bằng cái tâm.

Linh Chi