Chuyên gia kinh tế: Cần chấn chỉnh thị trường trái phiếu để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội các vấn đề kinh tế xã hội đang được mang ra phân tích bàn thảo sôi nổi. Những diến biến này cũng đang được rất nhiều chuyên gia quan tâm theo dõi bởi các chính sách được bàn thảo tại Quốc hội có ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển nhiều mặt của kinh tế Việt Nam.

Đối với ông Trần Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm phân tích PSI, thì vấn đề minh bạch thị trường trái phiếu là vấn đề ông rất quan tâm, bởi thị trường trái phiếu trong thời gian qua đã chứng kiến một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 4 tổng giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu đã đạt 1,5 triệu tỷ đồng. Vì vậy những tiêu cực xảy ra trong thời gian qua cần được chấn chỉnh nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư từ đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. 

Ông TRẦN ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Phân tích PSI: “Theo tôi vấn đề chính ở đây Bộ Tài chính cũng nên thông báo cũng như đào tạo cho các nhà đầu tư hiểu biết thêm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp để họ hiểu được rủi ro đi kèm với lợi nhuận. Mức lợi nhuận cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm thì có những rủi ro nhất định. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ hiểu và phân tích được các yếu tố đấy trước khi quyết định đầu tư.”

Còn theo ông Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, thì giải pháp để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu là cần phải có xếp hạng tín nhiệm. 

PSG. TS. ĐINH TRỌNG THỊNH, Chuyên gia Kinh tế, Học viện Tài chính: “Chúng ta có thể đưa yêu cầu về việc xếp hạng tín nhiệm như một chỉ tiêu khuyến khích hoặc bắt buộc đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để trên cơ sở đó xếp hạng doanh nghiệp sẽ là một công cụ hỗ trợ nhà đầu tư có thể nắm được tình hình tài chính lịch sử tài chính của doanh nghiệp trên cơ sở đó làm cho việc mua bán trái phiếu đầy đủ hơn rõ ràng hơn.” 

Các yếu tố dẫn đến lạm phát cũng là một trong các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm trong đó ảnh hưởng của đợt tăng học phí vào năm học mới. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng mạnh, tác động đến nhiều mặt đời sống của người dân, thì việc tăng học phí cần được cân nhắc.

TS NGUYỄN BÍCH LÂM, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: “Học phí tác động rất lớn vào kiểm soát lạm phát. Vì chi tiêu của hộ gia đình cho học phí chiếm quyền số rất cao trong chỉ số giá tiêu dùng. Các tỉnh và thành phố trước khi tăng học phí nền trao đổi với Tổng cụ Thống kê xem mức tăng bao nhiêu và điều chỉnh vào thời điểm nào… để giảm bớt áp lực lạm phát.”

Các cử tri cũng đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn các đề chất vấn lần này, và mong muốn sau chất vấn, các giải pháp đưa ra sẽ được triển khai ngay, tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực.

Như Hiền