Chuyển đổi ngành chăn nuôi – bí quyết hướng tới phát thải ròng bằng 0

Khủng hoảng khí hậu đang diễn ra với tần suất và mức độ ngày càng gia tăng, với nguyên nhân chính đến từ sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất ấm dần lên. Để cứu lấy sự sống của hành tinh, thì trung hòa carbon trở thành mục tiêu không thể trì hoãn.

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, việc chuyển đổi ngành chăn nuôi theo xu hướng “xanh” hơn đóng vai trò then chốt. Đây chính là khẳng định của Giáo sư Ermias Kebreab, một học giả danh tiếng trong lĩnh vực Nông nghiệp bền vững, đang có mặt tại Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022.

Hiện nay 75% phát thải khí nhà kính đến từ ngành công nghiệp năng lượng, 20% đến từ nông nghiệp. Trong đó, chăn nuôi chiếm phần lớn nguồn phát thải carbon, với các khí phát thải chính là NO2, CO2, và khí mê-tan.

Không được nhắc tới nhiều bằng khí CO2, nhưng khí mê-tan lại được coi là yếu tố chính gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu. Có vòng đời ngắn hơn khí CO2, lưu lại trong bầu khí quyền khoảng 12 năm, nhưng khí metan lại có tác động làm trái đất ấm lên cao hơn tới 28 lần so với CO2.

Theo Giáo sư Ermias Kebreab, trong những năm gần đây, nhờ cải thiện về di truyền và dinh dưỡng, chúng ta cần ít nguyên liệu đầu vào hơn để sản xuất ra cùng 1 lượng sữa hoặc thịt. So với 50 năm trước, hoạt động sản xuất thịt và sữa tại California, Mỹ đã giảm được 45% lượng khí metan phát thải trên mỗi kg sản phẩm. Việc thay đổi chế độ ăn uống của con người, cắt giảm thịt và lipid, cũng giúp giảm phát thải carbon.

Tuy nhiên, phương pháp hiệu quả nhất hiện nay chính là sử dụng phụ gia thức ăn chăn nuôi để giảm phát thải khí metan.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh vào năm 2021, hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đưa ra cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu mang tính toàn cầu này, các nước phát triển cần chia sẻ, hỗ trợ các nước đang phát triển về hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, bố trí tài chính xanh phù hợp, hiệu quả, chia sẻ công nghệ xanh, góp phần bảo vệ hành tinh chung của nhân loại.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Kim Ngọc