Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 04/03 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học góp ý dự thảo luật đất đai (Sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì tọa đàm.

Dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Lãnh đạo Viện nghiên cứu lập pháp, đại diện một số cơ quan của Quốc hội và 5 Học viện trực thuộc cùng tham gia tọa đàm trực tuyến.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi mở thêm những vấn đề cần tập trung thảo luận. Trong đó có các nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là vấn đề minh định rõ giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai; các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất; nhóm vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Tại cuộc tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng các quy định của Luật Đất đai cần bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch giữa các cơ quan chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước. Nhất là trong quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Một số ý kiến khác cho rằng để tránh khiếu kiện trong quá trình thu hồi đất, giá trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cơ quan nhà nước và công dân, tổ chức phải theo cơ chế thị trường. Khi xác định giá quyền sử dụng đất trong trường hợp cụ thể, nên sử dụng tư vấn độc lập định giá đất, làm cơ sở để thỏa thuận giữa các bên giao (bên bán) và bên nhận (bên mua), để đạt đến sự nhất trí cần thiết.

Với nhiều nội dung phong phú, các tham luận thể hiện quan điểm rõ ràng, trách nhiệm, sâu sắc, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Học viện sẽ xây dựng thành báo cáo tiếp thu tối đa, có chọn lọc gửi Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội, trên tinh thần xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là kế thừa, đổi mới, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Diệu Linh