Chủ động nguồn lực tài chính, kịp thời ứng phó các sự cố, thảm hoạ

Chiều 24/5, dưới sụ điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Vấn đề thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là nội dung tiếp tục ghi nhận sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đa số các ý kiến khẳng định, việc thành lập quỹ là cần thiết để chủ động nguồn lực, kịp thời ứng phó với các sự cố, thảm hoạ xảy ra.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, do còn nhiều ý kiến khác nhau về điều 41, Quỹ Phòng thủ dân sự nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này.

Phương án 1: Giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp. Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời.

Phương án 2: Quy định: Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với phương án 1, lý do, hoạt động phòng thủ dân sự phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự  sẽ chủ động ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.

Đại biểu cũng lưu ý, bên cạnh quy định theo phương án 1 cần chú ý tránh tình trạng tăng biên chế, tổ chức khi thành lập quỹ.

Mặt khác, cũng có đại biểu cho rằng không nên thành lập quỹ phòng thủ dân sự như phương án 1. Bởi sẽ phát sinh thêm bộ máy, chi phí quản lý và dễ gây thất thoát, lãng phí, thậm chí có những vi phạm. Hơn nữa, hiện nay cũng đang tồn tại nhiều quỹ thuộc lĩnh vực phòng thủ dân sự.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện cho cơ quan soạn thảo khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, mong muốn đại biểu ủng hộ phương án quỹ có trước.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết có 13/16 ý kiến của đại biểu phát biểu tán thành với phương án 1, cần phải thành lập quỹ phòng thủ dân sự.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam