• 1566 lượt xem
  • 15:58 20/05/2023
  • Kinh tế

Cho cần câu - Không cho con cá

Để đảm bảo sinh kế gắn với nhu cầu thực tế của người dân, nhiều dự án mô hình đã góp phần thiết thực để hỗ trợ người dân, trong đó có dự án hỗ trợ tư liệu sản xuất từ nhu cầu thực tế. Việc cho cần câu chứ không cho con cá góp phần giúp cho người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chồng mất sớm lại phải nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên cái nghèo cứ đeo bám mãi gia đình chị Thúy. Sau khi nhận được hỗ trợ hộ nghèo 1 con bò, chị đã nỗ lực gây dựng phát triển được đàn bò lên đến 6 con. Với bệ đỡ khi được hỗ trợ bằng tư liệu sản xuất, bằng sự nỗ lực của bản thân, cái nghèo đã không thể đeo bám mãi gia đình chị.

Từ 1 con bò sinh sản được địa phương hỗ trợ cho hộ nghèo đến nay, gia đình chị Hà đã phát triển thành 1 đàn bò. Với mong muốn vươn lên thoát nghèo, kinh tế khấm khá lo cho con ăn học, chị tiếp tục vay vốn ưu đãi mở rộng kinh tế hộ gia đình.

Thực hiện Kế hoạch 138 của Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai về chương trình giảm nghèo bền vững, Đông Yên được hỗ trợ 69 con bò sinh sản, 25 hộ sửa chữa xây sửa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm cho 71 hộ. Từ đây, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể theo từng năm.

Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội thực hiện hiệu quả 2 chương trình trọng tâm: hỗ trợ an cư và trao sinh kế giúp thoát nghèo bền vững. Cụ thể, chi trên 76,8 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 653 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ phương tiện sản xuất giúp hộ nghèo, hộ cần nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, chống tái nghèo.

Theo kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, Hà Nội hiện còn hơn 3.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16%, còn trên 30.170 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,38%, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Phạm Cường - Như Huỳnh