Cần có chính sách phát triển kinh tế báo chí

Để báo chí phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, giữ vững vai trò “phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội”, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về báo chí, trong đó có kinh tế báo chí là vấn đề quan trọng. Đó là khẳng định tại cuộc làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây.

Báo Tiền phong là một trong những cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị được đánh giá là khá tốt, nhưng ngân sách từ Nhà nước qua đặt hàng chỉ chiếm 2,7%. Bên cạnh đó, việc thực hiện sáp nhập thêm tờ báo khác cùng cơ quan chủ quản cũng khiến kinh tế của cơ quan này gặp khó.

Cả nước hiện có khoảng 41 ngàn nhân sự làm việc tại 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 72 đài phát thanh, truyền hình, 800 cơ quan báo, tạp chí. Vài năm gần đây, các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí do Doanh thu quảng cáo sụt giảm, 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới. 

Về thể chế pháp luật liên quan đến kinh tế báo chí, Luật Báo chí 2016 có nhiều điểm tiến bộ, nhưng nội dung liên quan đến kinh tế báo chí chỉ đề cập mang tính nguyên tắc, chung chung…

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần có hướng tiếp cận chính sách mới, phù hợp hơn nữa về kinh tế báo chí và đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông sớm xác định rõ những yêu cầu, giải pháp xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để kinh tế báo chí nước ta tiếp tục phát triển.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ tham mưu hoàn thiện đề nghị sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 với những quan điểm mới, trong đó liên quan đến kinh tế báo chí.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Phan Hằng - Sỹ Cường