• 1268 lượt xem
  • 21:16 10/09/2022
  • Kinh tế

"Bóng đen" nợ xấu đang rình rập

Đối với lĩnh vực bất động sản, hơn 240.000 tỷ đồng sẽ đến kỳ đáo hạn từ đầu năm 2023 đến 2024, trong đó, riêng năm 2023 phải xử lý cả vốn lẫn lãi cho nhà đầu tư là hơn 120.000 tỷ. Bong bóng nợ xấu đang rất cận kề nếu như không có những động thái mới từ Chính phủ giải quyết các nhu cầu về nguồn vốn, giải tỏa áp lực thanh khoản thị trường.

Giai đoạn 2019 – 2021, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp khoảng một triệu tỷ đồng. Đến quý III/2022, quy mô thị trường khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Nhóm bất động sản chiếm 60% các đợt phát hành với mức lãi suất có nơi lên đến 23%. Năm 2023 và 2024, nhóm này lần lượt phải xoay sở 120.400 tỷ đồng và 121.100 tỷ đồng nhưng với việc siết chặt tín dụng, phát hành trái phiếu nguy cơ vỡ nợ trái phiếu là rất lớn. Bởi, đặc thù rủi ro cao, lãi suất bình quân 10,9% trước kỳ đáo hạn đến gần.

Ông HOÀNG CÔNG TUẤN - Kinh tế trưởng Công ty CP chứng khoán MBS: "Nếu doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu, thì chúng ta không có sự đảm bảo nào nếu không có tài sản đảm bảo. Chúng tôi đánh giá thời gian vừa qua có một số DN chưa đảm bảo phát hành trái phiếu theo quy định.”

Nhiều công ty phải chuẩn bị cho kỳ đáo hạn trái phiếu đầu tư vào năm sau. Tập đoàn Phát Đạt huy động hơn 3.000 tỷ đồng từ trái phiếu từ nhiều nguồn, chiếm hơn 63% tổng nguồn vay. Và nhiều doanh nghiệp khác rơi vào tình trạng gặp khó khi việc phát hành trái phiếu đảo nợ đang bị tắc do Nghị định 153 sửa đổi vẫn chưa ban hành.

Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp Hồ Chí Minh: “Trái phiếu là doanh nghiệp phát hành tự chịu trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp phá sản thì chắc chắn người mua phải chịu thiệt thòi. Phải minh bạch chuyện này để người dân lựa chọn”

Số liệu của NHNN cho thấy, đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng. Rủi ro tài chính là rất lớn, bởi các tổ chức tín dụng là đối tượng chủ yếu sở hữu trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Nếu doanh nghiệp vỡ nợ thì tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng nhanh, thậm chí mất thanh khoản.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh: “Ngân hàng Trung ương luôn quan tâm, chỉ đạo các tổ chức tín dụng là tăng trưởng tín dụng, cho vay phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát tốt nợ xấu để đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng".

Thị trường bất động sản sau giai đoạn tăng nóng đã cho thấy những rủi ro đáng ngại. Nhiều chuyên gia nhận thấy những áp lực lớn đến chất lượng tín dụng và hàng tồn kho của các doanh nghiệp. Do đó, để nâng cao hiệu quả huy động vốn, các tổ chức tín dụng cần xem xét các khoản đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản; đồng thời, đánh giá lại năng lực của doanh nghiệp phát hành.

Nguyễn Sơn