Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tinh giản sách giáo khoa, tránh tăng giá tùy tiện

Trong những ngày gần đây, vấn đề sách giáo khoa đang tiếp tục nóng, không chỉ ở mỗi gia đình, ngôi nhà mà trên cả nghị trường Quốc hội. Giá sách giáo khoa đang tăng nhiều lần và người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo viện dẫn nhiều lý do, có những giải trình nhưng theo các đại biểu Quốc hội, chúng ta cần phải tinh giản và bình ổn giá sách giáo khoa trên nhiều phương diện.

Sách giáo khoa tăng gấp 3 lần, sách giáo khoa nhưng mang ý nghĩa tham khảo lại không có hướng dẫn nên phụ huynh không biết mua hay không mua, đó là những gì mà cử tri nhân dân kiến nghị nhiều thời gian qua, đặc biệt các hộ nghèo, hộ đông con và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Mặc dù Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Kim Sơn đã có nhưng giải trình, đề xuất các giải pháp nhưng theo các Đại biểu, đây là vấn đề cần được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Đề nghị Chính phủ căn cứ đề xuất của Bộ Giáo dục và đào tạo sớm có biện pháp hữu hiệu quản lý giá sách giáo khoa, một mặt hàng rất thiết yếu tránh việc tăng giá tùy tiện gây ảnh hưởng đến tác động tiêu cực đến đời sống người dân, tạo dư luận không tốt, đề nghị Bộ GD&ĐT tinh giản sách giáo khoa theo hướng thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc với từng cấp học, ngoài số sách giáo khoa bắt buộc phải có số sách còn lại học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện cụ thể, nhu cầu để chọn mua họặc không mua.”

Trước đề xuất, Chính phủ nên đầu tư hỗ trợ thư viện sách giáo khoa dùng chung cho các trường vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh sẽ được miễn phí sách giáo khoa hàng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc của các đại biểu, đại biểu Thái Văn Thành, tỉnh Nghệ An tán thành, đây là giải pháp mà các địa phương cần hướng đến.

Ông THÁI VĂN THÀNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: “Từ thực tiễn trong ngành giáo dục ở địa phương, Nghệ An có 11 huyện miền núi đại biểu, có 6 huyện vùng núi cao rất khó khăn. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh dành 1 phần kinh phí trang bị sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi doanh nghiệp, tặng sách giao khoa cho nhà trường. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có sách để học và sách dùng được nhiều lần, tránh lãng phí, đề nghị Bộ GD&ĐT nhân rộng mô hình này trên cả nước.”

Cử tri đang kỳ vọng về những tín hiệu đổi mới khi người đứng đầu Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định, đã trình Chính phủ định khung giá sách giáo khoa, đưa vào danh mục quản lý giá theo hướng theo đảm bảo quyền lợi của học sinh. Cử tri cũng kỳ vọng, chất lượng sách giáo khoa cần  được nâng cao,  tiếp tục góp phần giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cũng như khơi dậy khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước.