Biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, hiệu quả chưa cao

“Nhiều vấn đề về bình ổn giá và quỹ bình ổn giá cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, vì thực tế cho thấy, phạm vi và biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, hiệu quả chưa cao, nhất là trong thời điểm thiên tai dịch bệnh, biến động của thị trường thế giới”. Đây là một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo luật Giá sửa đổi do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vừa tổ chức.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, qua rà soát, Bộ Tài chính đã đưa ra khỏi luật 13 hàng hóa, dịch vụ, bổ sung 4 mặt hàng gồm sách giáo khoa; Dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và giao cho đơn vị khai thác; Hàng hóa, dịch vụ phục vụ quốc phòng an ninh; Dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên. Đồng tình về các tiêu chí đặt ra cho danh mục hàng hóa, tuy nhiên đại biểu cho rằng không nên quy định cứng trong luật.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính: “Nếu quy định cứng thì mỗi lần thay đổi sẽ rất phức tạp. Ví dụ như trong vấn đề sách giáo khoa, chúng ta thay đổi cơ chế độc quyền sách giáo khoa, cho phép một số nhà xuất bản thực hiện việc này, chúng ta lại giao quyền quyết định mua sách giáo khoa cho sở giáo dục ở các tỉnh thành thì rõ ràng thị trường đã thay đổi cơ bản về cung cầu. Nhưng rõ ràng chúng ta không đưa nó vào danh mục thẩm định giá, dẫn đến hệ lụy cho chục triệu hộ gia đình."

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhận định, danh mục về giá ban hành kèm theo luật hiện chỉ do Quốc hội quyết định, trên thực tế sẽ gặp rất nhiều bất cập nếu có những thay đổi trong thực tế.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội: “Ví dụ qua hai năm sau không phải dịch bệnh thì thế nào? Như trong thời điểm dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế lúc đó cho rằng kít xét nghiệm không nằm trong danh mục Nhà nước xác định giá nên không làm được, nên chăng cơ cấu trong luật thì khi trường hợp cấp bách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thì sẽ nhanh hơn, chứ chờ Quốc hội thay đổi Luật thì rất lâu." 

Về vấn đề quỹ bình ổn giá, đại diện Bộ Tài chính cho biết đơn vị đang đề xuất bỏ quy định lập quỹ bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa cần bình ổn giá, tức là lập quỹ có thời hạn.

Ông ĐẶNG CÔNG KHÔI, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính: “Chúng ta tìm hiểu mặt hàng phát sinh cần bình ổn giá, mà lúc đấy chúng ta mới lập quỹ thì có thể mặt hàng đó đã ổn định giá rồi. Thì biện pháp đấy không còn phù hợp. Tuy nhiên quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn còn cần." 

Bà VŨ THỊ LƯU MAI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội: “Vấn đề quỹ bình ổn giá là vấn đề nhạy cảm, nếu tuyên bố bỏ quỹ bình ổn giá là nhạy cảm. Nhưng bản chất vấn đề thì đây không phải bàn tay hỗ trợ của nhà nước, người tiêu dùng phải tự chi trả. Khi thảo luận bên Bộ Tài chính thì có ý kiến cho rằng có sự bất bình đẳng, người nghèo phải chi cho người giàu, người đi xe máy chi cho người đi oto."

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá hiện nay phạm vi và biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, hiệu quả chưa cao, nhất là trong thời điểm thiên tai dịch bệnh, biến động của thị trường thế giới, đề nghị trong lần sửa đổi này cần đánh giá, nghiên cứu làm rõ để đảm bảo hiệu quả trong thực tế triển khai.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Sửa đổi bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất. Loại bỏ những quy định chồng chéo, vướng mắc, luật hóa những quy định dưới luật mà đã được kiểm nghiệm. Khi các đại biểu đưa ra thảo luận tại hội trường, báo chí đưa tin như biến động giá xăng dầu, cơ chế giá xăng dầu, điều hành giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu có cần thiết hay không?."

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính- Ngân sách nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý vào dự thảo luật, xây dựng báo cáo thẩm tra trình Quốc hội, UBTVQH. Các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đóng góp ý kiến có chất lượng nhằm hoàn thiện dự thảo luật.

Nguyễn Hùng - Lê Quang