Bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ: Biểu hiện nào cần chú ý để đưa trẻ tới viện kịp thời?

Chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em đang đe dọa tính mạng của trẻ từ 1 tháng đến 16 tuổi trên toàn cầu. Đến thời điểm này, trên thế giới đã ghi nhận hơn 300 trẻ phải nhập viện điều trị bệnh viêm gan cấp tính, trong đó đã có 10 trẻ đã bị tử vong do biến chứng nặng.

Trước diễn biến tạp của bệnh viêm gan cấp tính tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp theo dõi, giám sát để phát hiện sớm ca bệnh và có biện pháp đáp ứng nhanh dịch bệnh xâm nhập.

Hiện nguyên nhân chính gây viêm gan cấp tính ở những bệnh nhi này vẫn chưa xác định. Tại Việt Nam, để chủ động giám sát các ca bệnh có thể xảy ra và hạn chế mức thấp nhất gây tử vong, ngành y tế đã đặt ra một số giải pháp phòng ngừa các yếu tố dịch tễ từ xa, có thể là căn nguyên gây nên bệnh viêm gan cấp tính. 

GS.TS PHAN TRỌNG LÂN - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: "Các biện pháp tập trung vào đường lây qua răng miệng và kể cả các đường khác. Như vậy phải vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân. Đặc biệt chú ý các biểu hiện như là vàng da, đau bụng, nôn, tiêu chảy chưa rõ nguyên nhân và kể cả các nguyên nhân mà chúng ta có thì cần đến ngay các cơ sở y tế để tư vấn khám, điều trị kịp thời”.

Theo các chuyên gia, điểm đáng lo ngại là một số biểu hiện của căn bệnh viêm gan cấp tính cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh, như: sốt, rối loạn tiêu hóa hoặc các bệnh viêm gan thông thường. Vì vậy, công tác chẩn đoán và điều trị cũng cần phải đặc biệt lưu ý

Bác sỹ NGUYỄN PHẠM ANH HOA - Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương: "Thực tế những triệu chứng này thì mới được ghi nhận. Bước đầu thì chúng ta lưu ý tới một số triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa. Và đặc biệt sau đó trẻ có thể xuất hiện vàng da, vàng củng mạc. Những em bé đó cần phải giám sát về mặt y khoa”.

GS.TS PHAN TRỌNG LÂN - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: "Người ta thấy rằng đường lây truyền dù chưa được xác định một cách đầy đủ, tuy nhiên trong các hộ gia đình thì chưa phát hiện ra được các biểu hiện lây lan và một điểm nữa là chúng ta ở Việt Nam qua giám sát, qua cập nhật thì đến thời điểm này chưa xuất hiện. Các ông bố bà mẹ nên thường xuyên cập nhật các thông tin chính thống từ y tế để có các biện pháp đầy đủ và kịp thời”.

Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp trẻ nào mắc viêm gan cấp tính. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương thực hiện phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus. Trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vaccine  viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
 

Ngô Trang